(HNM) - Sau 1 ngày trì hoãn, sáng 28-8 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Cuộc gặp được cho là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày của nhà lãnh đạo Israel tới xứ Cờ hoa nhằm thu hẹp một số quan điểm khác biệt liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran, tình hình Palestine và củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Đúng như những gì giới truyền thông dự đoán, chủ đề về Iran và Palestine đã chiếm phần lớn thời gian trong 50 phút hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Kết quả cuộc gặp cho thấy, hai bên vẫn còn nhiều khoảng cách trong những vấn đề này.
Giới quan sát nhận định, ông N.Bennett đã chuyển từ phong cách công khai cứng rắn của người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu sang phương pháp mềm mỏng, tế nhị để xử lý những bất đồng giữa Israel và Mỹ. Song, lập trường về vấn đề Iran của chính trị gia cánh hữu vẫn theo đuổi mục tiêu chung của Israel từ trước tới nay, đó là kiềm chế sự trỗi dậy của Iran. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng N.Bennett đã hối thúc ông chủ Nhà Trắng tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Iran và không tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm khôi phục kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran mà cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định từ bỏ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ J.Biden khẳng định sẽ ưu tiên các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề này. Trong trường hợp ngoại giao thất bại, Washington mới xem xét các lựa chọn khác.
Trên thực tế, Tổng thống J.Biden luôn cho rằng quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của chính quyền tiền nhiệm là một sai lầm, mở đường cho Iran khởi động lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống năm 2020, ông J.Biden nhiều lần khẳng định sẽ quay trở lại JCPOA nếu Iran tuân thủ đầy đủ nội dung trong thỏa thuận. Vì vậy, dù chia sẻ sự quan ngại của Israel, song ông chủ Nhà Trắng sẽ vẫn ưu tiên đối thoại với Tehran.
Về cuộc xung đột Israel - Palestine, Tổng thống J.Biden khẳng định sẽ thảo luận về cách thức để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực. Ông không đề cập cụ thể các nội dung sẽ triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Mỹ sẽ không tiếp tục triển khai bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi có tên “Thỏa thuận thế kỷ” mà cựu Tổng thống D.Trump là “kiến trúc sư”. Lập trường của Tổng thống J.Biden là ủng hộ giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại độc lập, hòa bình như đã đề ra trong Nghị quyết 181 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Vì vậy, trong nhiệm kỳ của mình, ông J.Biden sẽ tập trung xử lý “di sản” của người tiền nhiệm nhằm tái cân bằng chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông, trong đó có việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột ở Dải Gaza và đưa Israel - Palestine đến bàn đàm phán. Để nối lại quan hệ với Palestine, Washington sẽ thúc giục Israel tránh các bước đi đơn phương như mở rộng các khu định cư tại Dải Gaza, đồng thời nối lại hoạt động hỗ trợ người Palestine...
Thời gian vừa qua, Israel đã bỏ qua các cuộc đàm phán với Palestine, thay vào đó tập trung thúc đẩy quan hệ ngoại giao với một số nước Arab, mở đầu bằng việc ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain. Điều này đã giúp Israel giành được sự ủng hộ của một số quốc gia Arab nhưng không thể đảo ngược được một thực tế rằng, cuộc xung đột Israel - Palestine vẫn là một điểm nóng cần giải quyết để vãn hồi hòa bình cho khu vực.
Theo nhận định của báo The New York Times, dù chưa thu hẹp được khoảng cách trong 2 vấn đề nêu trên, song Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Naftali Bennett vẫn khẳng định mối quan hệ đồng minh vững chắc, đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác vì những lợi ích chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.