Phát biểu tại Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ACMECS với cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng hợp tác ACMECS không chỉ gắn kết tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước láng giềng mà còn mở ra không gian phát triển mới cho các DN trong và ngoài khu vực. Đây là cơ hội vàng để thành công.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 (ACMECS 6) tổ chức sáng 23/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ACMECS với cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ACMECS với cộng đồng DN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nằm trên giao lộ kết nối giữa Đông Nam Á và các thị trường rộng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, 5 nước ACMECS có tiềm năng lớn để nâng cao vai trò và vị thế trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Kể từ khi hình thành vào năm 2003 đến nay, hợp tác ACMECS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa các thành viên. Đặc biệt, liên kết giao thông giữa các nước ACMECS thông qua phát triển các tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), hành lang phía Nam (SEC) đã góp phần cắt giảm chi phí giao thông, nâng cao tính cạnh tranh của khu vực. Các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực đã và đang ít nhiều hưởng lợi từ những thành quả này.
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ACMECS đánh giá cao và ghi nhận những đề xuất hữu ích của Hội đồng Kinh doanh ACMECS và ý kiến phản hồi thiết thực của các doanh nghiệp đối với hợp tác ACMECS trong thời gian qua. Đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư khu vực, thúc đẩy chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế.
Các nhà lãnh đạo mong muốn các doanh nghiệp tham gia sâu và tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác của ACMECS, chủ động đưa ra các sáng kiến về huy động và kết hợp các nguồn lực, đóng góp ý kiến cho các hoạt động hợp tác.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Với nguồn nhân lực dồi dào, quy mô thị trường 90 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu có mức thu nhập khá ngày càng gia tăng, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực đổi mới, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế toàn diện, triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đặt trọng tâm cho năm 2015-2016 là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 và triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, bao gồm tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc…
“Hợp tác ACMECS không chỉ gắn kết tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước láng giềng mà còn mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Tôi tin tưởng rằng quý vị sẽ không bỏ lỡ cơ hội vàng để thành công. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại và đầu tư, đưa ACMECS trở thành sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp khu vực và quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.