(HNM) - Cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm Anh và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Boris Johnson. Chuyến công tác cuối cùng đến xứ sở Sương mù của bà A.Merkel trên cương vị Thủ tướng được xem là cơ hội để hai bên thảo luận hàng loạt vấn đề như củng cố và mở ra chương mới trong quan hệ hai nước sau tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đồng thời thúc đẩy các nỗ lực hợp tác nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Chuyến công tác hôm 2-7 của Thủ tướng Đức A.Merkel đánh dấu chuyến thăm thứ 22 của bà tới Vương quốc Anh kể từ khi nhậm chức. Đây cũng là chuyến công du cuối cùng của nhà lãnh đạo 66 tuổi này đến Anh trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Đức. Sau khi dẫn dắt nước Đức trong bốn nhiệm kỳ kể từ năm 2005, nữ chính trị gia kỳ cựu đã tuyên bố không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ năm và đang chuẩn bị cho sự xuất hiện của người kế nhiệm cuối năm nay. Chào đón chuyến thăm của người đồng cấp Đức, Thủ tướng Anh B.Johnson khẳng định, trong suốt 16 năm nhiệm kỳ của Thủ tướng A.Merkel, mối quan hệ hai nước đã được khơi dậy và hồi sinh cho một kỷ nguyên mới.
Tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng B.Johnson, Thủ tướng A.Merkel nhận định đây là thời điểm mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước sau tiến trình Brexit đánh dấu việc xứ sở Sương mù rời khỏi "mái nhà chung". Nhà lãnh đạo Đức cho biết, nước này sẽ tiếp cận “từng bước một” trong mối quan hệ mới với Vương quốc Anh hậu Brexit. Sự hiện diện của Thủ tướng Đức ở London được đánh giá là cơ hội để Berlin củng cố quan hệ ngoại giao với đối tác thương mại quan trọng này, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn của châu Âu cùng chịu nhiều áp lực trước những thay đổi của tình hình quốc tế và khu vực.
Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế đi lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong chuyến công tác của Thủ tướng A.Merkel. Nữ Thủ tướng Đức từng bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng các trường hợp mắc biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 tại Anh và nhiều quốc gia châu Âu. Đây là biến chủng lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ và có khả năng lây lan nhanh. Đức hiện đang áp đặt thời hạn cách ly 14 ngày đối với du khách Anh. Bà A.Merkel thậm chí đã kêu gọi thắt chặt các quy định hạn chế trên toàn EU đối với du khách đến từ Anh nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư.
Trong nỗ lực thúc đẩy ngành Du lịch, nhất là trong những tháng du lịch hè đầy triển vọng, Thủ tướng B.Johnson bày tỏ hy vọng những công dân Anh đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ được đến Đức mà không cần phải trải qua các biện pháp cách ly trong vòng 2 tuần. Ông cho rằng, nhờ những bước tiến trong chương trình tiêm chủng của Anh, công dân nước này có thể du lịch nước ngoài thoải mái hơn trong năm nay, điều mà ngành công nghiệp không khói đang cần để vượt qua khó khăn do đại dịch. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng B.Johnson, đã có tín hiệu tích cực được đưa ra khi Thủ tướng A.Merkel cho biết du khách Anh đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 có thể đến Đức “trong tương lai gần” mà không cần cách ly.
Không chỉ có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà, Thủ tướng A.Merkel còn gặp gỡ Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài Windsor. Đặc biệt, bà A.Merkel đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước Nội các Anh trong thế kỷ này. Cùng với đó là việc Thủ tướng B.Johnson công bố sẽ trao Huân chương học thuật cho các nhà khoa học nữ của Anh và Đức trong lĩnh vực vật lý thiên văn như một món quà dành tặng Thủ tướng A.Merkel nhằm tôn vinh những di sản mà bà có được. Đây là minh chứng sống động cho mối quan hệ hữu nghị bền vững giữa Anh và Đức trong cả hiện tại lẫn tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.