Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tất cả chúng ta cùng đoàn kết, cùng hợp tác, cùng nhất trí, nhất quán trong lời nói và hành động để thực hiện thành công tầm nhìn phát triển ĐBSCL Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Nếu thực hiện được tầm nhìn này, chúng ta coi như đã hoàn thành được một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn ĐBSCL 2016 (Mekong Delta Forum 2016) ngày 27/6, tại TPHCM.
Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày 27-28/6, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tổ chức quốc tế.
Diễn đàn có chủ đề “Vì ĐBCSL thịnh vượng và thích ứng với khí hậu” do Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số cơ quan phối hợp tổ chức.
Diễn đàn nhằm thảo luận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng, đối thoại sâu hơn về các rủi ro đi cùng biến đổi khí hậu, các chiến lược thích ứng trong đó bao gồm kế hoạch hóa đồng bộ, công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành.
Vựa lúa lớn nhất gặp nhiều sức ép
Các báo cáo, nghiên cứu được đưa ra tại Diễn đàn đều cho rằng, ĐBSCL đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển của Việt Nam nói chung và an ninh lương thực của khu vực khi sản xuất đến 50% tổng sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Các vùng đất ngập nước và các vùng cửa sông của ĐBSCL là nguồn đa dạng sinh học quan trọng. Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ gần đây, nhiều thay đổi cả về tự nhiên và do con người gây ra đã tạo sức ép phát triển lớn đối với cả vùng ĐBSCL.
Trong dài hạn, các cộng đồng dân cư duyên hải ĐBSCL được dự báo sẽ là đối tượng hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng nước biển dâng và những cơn bão nhiệt đới có xu hướng ngày càng mạnh. Sản lượng lúa gạo ở ĐBSCL được dự báo sẽ giảm từ 6-12% vì ngập lụt và xâm nhập mặn.
Cho biết ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, 1/5 lượng gạo thương mại toàn cầu, Thủ tướng nhìn nhận, “sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp ở vùng này không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà sẽ tác động rõ nét đến giá lương thực, làm suy yếu an ninh lương thực của toàn cầu”.
Cho rằng ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được chưa xứng với tiềm năng, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn.
Có tình trạng tỉnh nào biết tỉnh đó
Thủ tướng chỉ ra các nguyên nhân, thứ nhất là thiếu sự liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh. Có tình trạng tỉnh nào biết tỉnh đó, thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển. “Tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tăng cường phối hợp với các tỉnh ĐBSCL để cải thiện tình hình hợp tác liên kết này”, Thủ tướng lưu ý.
Thứ hai là việc kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp gặp khó khăn vì thiếu các điều kiện như xa nguồn năng lượng, suất đầu tư xây dựng lớn do xa nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Một số địa phương phát triển may mặc da giày đã giải quyết được một phần lao động nhưng giá trị gia tăng thấp. Các nhà đầu tư chủ yếu khai thác nhân công giá rẻ và hưởng các ưu đãi.
Thứ ba là chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng với thế mạnh của ĐBSCL. Ngành chế biến thủy hải sản tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn thiếu những cách làm mới, hiện đại, sáng tạo. Chưa biết cách tối ưu hóa chuỗi sản xuất.
“ĐBSCL cần học tập, nhân rộng mô hình Công ty Vĩnh Hoàn của Đồng Tháp, họ tận dụng sản phẩm da cá tra để sản xuất collagen, mỹ phẩm và các loại thực phẩm chức năng xuất khẩu đi các nước, làm gia tăng giá trị cá tra và giảm thiểu chi phí xử lý vấn đề môi trường”, Thủ tướng nói.
“Nếu xác định tôm, cá tra là thế mạnh của ĐBSCL thì xây dựng các đề án hành động để có thật nhiều công ty như Vĩnh Hoàn, thay đổi chính sách ưu đãi về tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện về đất đai. Với chúng ta, xuất cá da trơn theo kiểu cũ thì hiệu quả thấp”.
Thứ tư, chất lượng và số lượng thủy hải sản không ổn định, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, tư duy thị trường còn manh mún, nên sản phẩm chưa đủ đa dạng để đáp ứng các nhu cầu cao cấp của thị trường để qua đó, xác lập uy tín, thương hiệu quốc tế của sản phẩm.
Thứ năm, là vựa lúa của cả nước nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín, giá trị gia tăng vẫn thấp, nên giá trị xuất khẩu không cao.
Nhiều lợi thế bị bỏ ngỏ
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL còn nhiều lợi thế bị bỏ ngỏ như phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, phát triển mô hình trang trại, kết hợp nông nghiệp với du lịch, phát triển các ngành nghề chế biến nông sản, thành phẩm từ cây công nghiệp, dược liệu, xuất khẩu sản phẩm từ các làng nghề truyền thống…
ĐBSCL có các loại trái cây có tiềm năng vô cùng lớn vì hương vị độc đáo, chất lượng dinh dưỡng cao, ví dụ xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, bưởi da xanh ở Bến Tre, quýt Hồng Lai Vung ở Đồng Tháp, thanh long ở Tiền Giang.
Thủ tướng cho rằng, các loại nông sản này cần đi khắp thế giới, trở thành các loại trái cây cao cấp, hiện diện trong hệ thống bán lẻ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU và phải mang thương hiệu Việt Nam đích thực, chứ tuyệt đối không thể vô danh, bị lạm dụng, đóng dưới nhãn mác của các nhà phân phối trung gian. “Cái này là thiệt thòi rất lớn đối với ĐBSCL mà chúng ta cần nhìn thấy được”, Thủ tướng lưu ý.
Cần tập trung xây dựng liên kết vùng
Để ĐBSCL phát triển hơn nữa thời gian tới, trước tiên Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL phối hợp cùng Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng liên kết vùng, xây dựng chiến lược phát triển ĐBSCL để phát huy thế mạnh từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ, phân công vùng nào, tỉnh nào, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm hoặc trái cây gì cho phù hợp. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của các địa phương để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo nên chuỗi liên kết về sản xuất và dịch vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn.
Hai là, thành phố Cần Thơ được mệnh danh là trung tâm của miền Tây, phải xác định là trung tâm kết nối của các tỉnh miền Tây, thúc đẩy hội nhập kinh tế miền Tây, đặc biệt sau khi các hiệp định thương mại quan trọng như TPP được đưa ra trình Quốc hội phê chuẩn, đi vào hiệu lực.
Ba là, đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy hải sản, trồng lúa và cây ăn trái. Các trường đại học ở miền Tây cần chú trọng điều này, chủ động liên kết các trường đại học ở Hà Nội, TPHCM, một số trường đại học lớn của các nước, các viện nghiên cứu và thậm chí các trường đại học quốc tế để nâng cao chất lượng nghiên cứu thông qua giao lưu học thuật, trao đổi kinh nghiệm. Ngoài ra, cần hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn để bảo đảm tính ứng dụng thực tiễn của các đề án nghiên cứu.
Bốn là, cần chú trọng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi, thay vì chạy theo số lượng.
Năm là, ưu tiên phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với đối phó biến đổi khí hậu bằng giải pháp công trình và phi công trình.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương ĐBSCL cần tích hợp mục tiêu nông thôn mới với ứng phó biến đổi khí hậu. “Tôi đề nghị xây dựng và đề xuất tiêu chí nông thôn mới cho vùng ĐBSCL, bảo đảm tính phù hợp đặc thù của địa phương trước tình trạng hạn hán bất thường đã diễn ra. Đây là những việc cần làm ngay và báo cáo Thủ tướng vào quý III/2016”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh cần đặc biệt chú trọng quy hoạch đê điều, hồ chứa, bảo đảm an toàn và khả năng dự phòng cho những diễn biến thời tiết bất thường, nâng cấp hệ thống tưới tiêu theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và tối ưu hóa cho các loại cây trồng và mùa vụ.
“Nhanh chóng chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Không thể làm theo truyền thống cũ hoàn toàn”, Thủ tướng cho biết và nêu vấn đề là các nước như Israel, Nhật Bản, Hoa Kỳ có thời tiết khô hạn nhưng họ phát triển nông nghiệp rất tốt.
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với WB, các chính phủ, các tổ chức quốc tế để cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra ở ĐBSCL.
“Tất cả chúng ta cùng đoàn kết, cùng hợp tác, cùng nhất trí, nhất quán trong lời nói và hành động để thực hiện thành công tầm nhìn phát triển ĐBSCL”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.