(HNMO) - “Các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, cần dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão số 9…”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố miền Trung chỉ đạo ứng phó với bão do Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức sáng 26-10.
Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường…
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 9 là cơn bão đi nhanh, cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng trên đất liền rất rộng, từ khu vực Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ. Ngoài gió mạnh, sóng cao, bão còn gây ra đợt mưa rất lớn tại các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên với tổng lượng mưa 200-400mm, kéo dài từ ngày 27 đến 29-10.
Trong đó, các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có thể xảy ra đợt mưa kéo dài đến ngày 31-10 với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm. Trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên xuất hiện đợt lũ với mức báo động cấp II, cấp III. Với độ ẩm đất đã bão hòa, các tỉnh, thành phố miền Trung có nguy rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong 3-4 ngày tới…
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 30 hồ thủy lợi nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp. Tỉnh đã kiểm tra và chỉ đạo không tích nước. Các lực lượng đã thông báo cho hơn 6.000 tàu thuyền hoạt động trên biển vào nơi trú tránh an toàn. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị sơ tán hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ úng ngập, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn…
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài thông tin, với cấp 12, bão số 9 có thể gây ảnh hưởng tới 7 tỉnh và có khả năng phải sơ tán hơn 1,2 triệu dân.
Ngoài ra, trong phạm vi ảnh hưởng của bão còn hơn 20.000 tàu thuyền, các tỉnh cần khẩn trương thông báo để các tàu thuyền nhanh chóng vào bờ; hơn 14.000ha và hơn 20.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản cần được thu hoạch sớm để giảm thiệt hại...
Về công tác ứng phó với bão, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị huy động hơn 368.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 3.600 phương tiện hỗ trợ các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận ứng phó với bão số 9. Bên cạnh đó, các đơn vị đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó với bão…
Nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố miền Trung đang trong tình trạng lũ chồng lũ, bão chồng bão, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối nâng cao cảnh giác, phải tích cực và chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống để giảm thiệt hại cho người dân… Bởi nếu bão đổ vào bờ với cấp 12 thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Để người dân không lâm vào cảnh "màn trời, chiếu đất", đói rét và các khó khăn khác, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương hơn trong công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích…
Về ứng phó với bão số 9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người dân hoạt động trên các tàu thuyền, lồng bè; cương quyết đưa ngư dân lên bờ khi bão đổ bộ.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn sắp xếp, bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền nơi trú tránh, neo đậu, hạn chế thiệt hại do va đập. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố miền Trung cũng chủ động triển khai phương án sơ tán dân; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn hồ đập… Sau khi bão đi qua, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân dân để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại…
“Ngay từ bây giờ các địa phương phải tăng cường mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ, quyết liệt ứng phó với bão. Những tỉnh chưa có kinh nghiệm ứng phó với bão thì càng phải cố gắng. Những tỉnh có kinh nghiệm thì tuyệt đối không chủ quan. Các địa phương không tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão… Ngay sau cuộc họp này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải xuống ngay cơ sở để trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó với bão”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.