(HNMO) - Sáng 1-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020. Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới 21 bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Dự cuộc họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Dự họp còn có các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương…
Dự họp tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành...
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phiên họp diễn ra trong bối cảnh Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong.
Trong bối cảnh như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch đạt kết quả tốt đẹp. Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31-3, có đặt vấn đề cách ly xã hội.
Giải thích thêm về vấn đề này, Thủ tướng nói rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt thời gian công việc. Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, vấn đề một số nước đã vấp phải.
“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”. Thủ tướng dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31-3) nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đặt mức tăng trưởng cao nhất.
Thủ tướng cho biết, hôm nay, Chính phủ sẽ thảo luận nghị quyết về gói an sinh xã hội quan trọng này.
“Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận, ban hành những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư công, bảo đảm an ninh trật tự nhưng trước hết đánh giá tác động trực tiếp nhất của vấn đề này là an sinh xã hội cho người dân”, Thủ tướng nói.
Trong 15 ngày tới là thời điểm quyết định để ngăn chặn dịch. Nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã nêu. Các cấp, các ngành phải tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp có thể có để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng, chống của các cơ quan có chức năng.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người dân. Tôi xin nhắc lại thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta”. Thủ tướng mong "từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch. Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch".
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục chiều hướng giảm
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước tình hình kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái do dịch Covid-19, tăng trưởng của nước ta trong quý I-2020 đạt 3,82%. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ quý I-2009. Kéo theo đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,15%, nông nghiệp đạt 0,08%, dịch vụ đạt 3,27% - đều là những mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019, các dịch vụ hàng không, lưu trú, ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề…
Thu ngân sách đạt 25,9% dự toán năm, chi cân đối ngân sách đạt 19,6% dự toán năm. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2020 giảm 0,72% so với tháng trước; CPI tháng 3-2020 tăng 0,34% so với tháng 12-2019; CPI bình quân quý I-2020 tăng 5,56% so với bình quân quý I-2019.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu khu vực trong nước tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Số doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động có phần chững lại so với cùng kỳ năm 2019...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.