Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Anh cải tổ nội các: Chưa thể bình yên

Quỳnh Chi| 06/09/2012 07:04

(HNM) - Ngày 4-9, Thủ tướng Anh David Cameron đã tiến hành cuộc cải tổ nội các mạnh mẽ, thay đổi hầu hết các vị trí lãnh đạo các bộ.

Đây là lần đầu tiên ông chủ số 10 phố Downing thay đổi thành phần chính phủ liên minh kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 5-2010 và cuộc cải tổ được thực hiện ngay trước khi Quốc hội nối lại hoạt động sau kỳ nghỉ hè.

Thủ tướng D.Cameron vừa tiến hành cải tổ nội các nhằm mang lại thay đổi tích cực cho nước Anh.


Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là một động thái sắp xếp lại lực lượng nhằm thu hút cử tri trong lộ trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm 2015. Người đứng đầu nội các Anh không ngần ngại thể hiện sự ưu tiên "trẻ hóa" các gương mặt của đảng Bảo thủ ở một số vị trí chủ chốt. Vì thế, ông Ken Clarke, một nhân vật kỳ cựu từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, đã được thay thế bằng một nhân vật ít tuổi hơn - ông Chris Grayling. Thứ trưởng Bộ Giao thông Theresa Villiers được đề bạt làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland. Bộ trưởng Văn hóa Anh Jeremy Hunt sang giữ chức Bộ trưởng Y tế. Song, vị trí Bộ trưởng Tài chính George Osborne và Ngoại trưởng William Hague vẫn được giữ nguyên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng D.Cameron là một bước đi nhằm giảm nhẹ sức ép dư luận đang đè nặng lên Chính phủ trong thời gian qua xung quanh triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa của xứ Sương mù. Thủ tướng D.Cameron kỳ vọng, sự "đổi máu" trong bộ máy lãnh đạo sẽ giúp tạo sinh khí mới cho nước Anh thông qua một loạt sáng kiến trong kỳ họp Quốc hội tới.

Hiện tại Anh đang rơi vào cuộc suy thoái sâu hơn so với dự kiến. Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2012 của nền kinh tế hàng đầu Châu Âu xuống - 0,3%, so với mức tăng 0,6% dự báo trước đó, do những dấu hiệu kinh tế tiêu cực. Theo công bố của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), nợ công của nước này đã lên tới trên 1.000 tỷ bảng, chiếm 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chỉ riêng trong tháng 7, các khoản vay trong lĩnh vực công, không tính các khoản cứu trợ ngân hàng, đã là 557 triệu bảng. Những con số này càng làm gia tăng mối lo ngại về khả năng thực hiện mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ Anh trong năm tài chính 2012-2013.

Đáng lo ngại là, thực trạng yếu kém của nền kinh tế đang khiến tương lai của nước Anh trong Liên minh Châu Âu (EU) trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Mặc dù lợi ích của Anh phụ thuộc rất nhiều vào ngôi nhà chung 27 thành viên, song tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ, lây lan từ những "mắt xích yếu" trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) khiến tâm lý muốn rời khỏi EU gia tăng nhanh chóng trong dân chúng Anh. Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất cho thấy, có tới 51% người được hỏi yêu cầu đảo quốc Sương mù ra khỏi EU. Đây cũng là vấn đề khiến nội bộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng D.Cameron bị chia rẽ trong suốt một năm qua khi có tới 40% thành viên ủng hộ tách khỏi Châu Âu. Một nghị sĩ cấp cao trong Quốc hội Anh cho rằng, ông chủ số 10 phố Downing sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc "nổi loạn" trong nội bộ hơn nữa trừ khi ông thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán liên quan tới các vấn đề tài chính của EU. Các nghị sĩ sẽ theo dõi sít sao từng động thái của Thủ tướng D.Cameron để bảo đảm lợi ích quốc gia không bị ảnh hưởng do liên quan tới các vấn đề của EU.

Lên cầm quyền vào đúng thời điểm nền kinh tế châu lục đang phải gánh chịu những tác động khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng nợ công, Thủ tướng D.Cameron đã phải vật lộn suốt gần hai năm rưỡi với khối di sản nặng nề từ người tiền nhiệm. Với những gì đang diễn ra hiện nay, xem ra nhà lãnh đạo 50 tuổi này khó có thể tìm kiếm giây phút thảnh thơi trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Thách thức trước mắt của Thủ tướng D.Cameron là phải đau đầu lựa chọn phác đồ điều trị tiếp theo cho nền kinh tế đang ngày càng suy yếu. Nếu nới lỏng các chương trình cắt giảm ngân sách sẽ giúp kinh tế tăng trưởng trở lại, nhưng lại gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu đề ra là kiềm chế tổng nợ công trong tài khóa 2012-2013 ở mức 120 tỷ bảng. Và ngược lại, nếu tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục lún sâu vào tình trạng âm và làm gia tăng bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa các thành viên trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng là một bài toán vô cùng nan giải.

Tất cả những khó khăn sau cuộc cải tổ vừa được Thủ tướng D.Cameron thực hiện dự báo những ngày chưa thể bình yên trong khoảng thời gian tại vị còn lại của người đứng đầu nội các Anh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Anh cải tổ nội các: Chưa thể bình yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.