Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tục rườm rà, nhiều khâu trung gian

Hà Phong| 14/10/2014 06:10

(HNM) - Trong bối cảnh công tác ủy thác tư pháp phải thực hiện qua quá nhiều kênh trung gian, khó tránh khỏi tình trạng vụ án cần lấy lời khai, tống đạt giấy tờ đối với người ở nước ngoài bị quá hạn xét xử theo luật định.



Quy trình hiện nay là: Tòa án Việt Nam chuyển hồ sơ qua Bộ Tư pháp, sau đó, bộ này chuyển đến Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại. Từ đây, hồ sơ vụ án mới được chuyển đến các cơ quan tư pháp nước bạn để nhờ thu thập, xác minh chứng cứ và trong nhiều trường hợp, càng chờ đợi, càng bặt vô âm tín.

Khó tránh tình trạng án quá hạn

Về quy trình ủy thác kể trên, nhiều thẩm phán tham gia xét xử các vụ việc có yếu tố nước ngoài đã khẳng định: Nếu không thay đổi thì tình trạng vụ án bị quá hạn sẽ là chuyện thường ngày. Với quy trình hiện nay, việc tống đạt giấy tờ đối với người nước ngoài phải trải qua nhiều khâu, nếu quá trình xác minh thuận lợi, hồ sơ sẽ lần lượt "ngược" hành trình quay về tòa án Việt Nam. Chuyện gửi đi, gửi lại này cũng mất tối thiểu vài tháng một lần ủy thác, đủ thời gian… làm cho một vụ án thành quá hạn.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao công bố ngày 30-9, trong 6 năm (2008-2014), bình quân mỗi năm có 3.000 - 4.000 hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự do các tòa án chuyển đến Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao để chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc chuyển cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành lấy lời khai của đương sự và tống đạt văn bản tố tụng. Trong đó, đa số là yêu cầu ủy thác tư pháp liên quan vụ việc về hôn nhân gia đình, tranh chấp tài sản thừa kế giữa anh chị em trong một gia đình nhưng có người đang định cư ở nước ngoài… Tuy nhiên, chỉ có 30-35% yêu cầu ủy thác tư pháp được thực hiện. Với các vụ việc chưa có kết quả, tòa án cũng không thể nắm được hồ sơ đang "trôi dạt" ở đâu.

Cần bỏ khâu trung gian

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhận định, số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp bị "treo" trong lĩnh vực dân sự khá lớn chưa kể nhiều kết quả ủy thác tư pháp đã nhận được nhưng không đáp ứng yêu cầu tố tụng. Điều này đáng lo ngại vì người dân và doanh nghiệp liên quan khó có thể bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Cho rằng trong bối cảnh hội nhập, số lượng ủy thác tăng lên rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư chưa tương xứng về con người, điều kiện, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Khánh cho biết: Trước mắt, đối với những nước có điều ước quốc tế, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp thiết lập ngay đường dây đầu mối giữa các cơ quan TƯ hai nước; trong trường hợp chậm trễ hay vướng mắc mới có kênh thông tin, cùng nhau tháo gỡ, tiếp nữa, sẽ tạo điều kiện cho cơ quan tòa án trong việc gửi ủy thác trực tiếp hoặc qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để rút ngắn thời gian, quy trình.

Đồng tình với hướng khắc phục này, nhiều địa phương khẳng định, làm theo hướng trên sẽ tăng tính chủ động cho tòa án. Có như vậy mới tránh trường hợp tòa án gửi đi mà không cập nhật được diễn biến thông tin phản hồi, dẫn đến phải chịu sức ép, hiểu lầm là cố tình gây khó dễ. Thực tế, thời điểm này hoạt động tương trợ tư pháp trong cả 4 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù chỉ điều chỉnh tập trung trong Luật Tương trợ tư pháp bằng cách tiếp cận "tổng hợp" cả 4 lĩnh vực. Điều này khiến luật vừa cồng kềnh, không có điểm trọng tâm, vừa làm cho công tác quản lý nhà nước, phối hợp ngành trong triển khai thi hành luật phải qua nhiều khâu. Phân tích kỹ hơn, Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) phản ánh, tương trợ tư pháp về dân sự gồm: Hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại, thi hành án…, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng. Do đó, việc chỉ áp dụng một văn bản chung là Luật Tương trợ tư pháp mà chưa có văn bản hướng dẫn thi hành đối với nội dung đặc thù riêng sẽ gây nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan có nhiệm vụ phối hợp triển khai.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho biết, ủy thác tư pháp còn dựa trên các cơ sở điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp đã xây dựng. Vì lẽ này, những bất cập trong tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài có ủy thác tư pháp cần được rà soát, phân loại những vướng mắc, sửa đổi các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc dân sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cải cách pháp luật. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ nhận kết quả ủy thác tư pháp hoặc các thông tin liên quan các vụ án xét xử có yếu tố nước ngoài, không nên quy định cứng nhiệm vụ chuyển công văn hoặc giấy tờ liên quan tới các nước mặc định trách nhiệm là tòa án, bộ tư pháp, bộ ngoại giao. Qua xét xử cho thấy, không ít trường hợp, nguyên đơn bằng nhiều kênh thông tin khác nhau có thể thu thập địa chỉ, thông tin về cá nhân của bị đơn ở nước đó mà không cần chờ kết quả ủy thác tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục rườm rà, nhiều khâu trung gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.