Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh| 10/02/2014 06:49

Xin quý báo cho biết quy định về thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi? Trường hợp có người đủ điều kiện nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi thì hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi cần những giấy tờ gì? Nguyễn Thị Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội)

Xin quý báo cho biết quy định về thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi? Trường hợp có người đủ điều kiện nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi thì hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi cần những giấy tờ gì?
Nguyễn Thị Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội)

Trả lời:


Căn cứ Điều 16, Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định về việc đăng ký và quản lý hộ tịch, thì thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được thực hiện như sau:

Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho UBND xã hoặc công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ đó. Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người phát hiện. Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại UBND xã, nơi lập biên bản, một bản giao cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

UBND xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thanh hoặc đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh.

Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi". Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ tư pháp hộ tịch căn cứ vào quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi"; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được, thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi".

Căn cứ Điều 17, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có: 1. Đơn xin nhận con nuôi; 2. Bản sao hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; 3. Phiếu lý lịch tư pháp; 4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; 5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.