(HNM) - Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những thủ tục chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như quy định chưa thực sự phù hợp, gây vướng mắc cho cả tổ chức và công dân khi thực hiện.
Kể với chúng tôi về hành trình chuyển nơi hưởng lương hưu từ Phú Thọ về Hà Nội, bà N.T. (phường Bồ Đề, quận Long Biên) vẫn chưa hết bức xúc và cho biết, sau khi làm thủ tục cắt chuyển ở bộ phận "một cửa" của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phú Thọ, cán bộ ở đó cho biết hồ sơ sẽ được cơ quan này chuyển thẳng về Hà Nội theo đường công vụ và từ tháng 12-2012 bà N.T. sẽ nhận lương tại nơi cư trú. Song, đến ngày lấy lương, bà N.T. ra tổ chi trả lương hưu thì được biết bà chưa có bảng lương ở đây và được giới thiệu đến phường nơi cư trú. Bà N.T. ra phường thì được hướng dẫn lên BHXH quận Long Biên. BHXH quận Long Biên trả lời chưa thấy có hồ sơ ở đây và hướng dẫn bà lên BHXH TP Hà Nội hỏi. Tại đây, cán bộ tiếp nhận kiến nghị bảo bà làm thủ tục xác nhận hồ sơ đã chuyển về. Sau khi xác nhận, nhân viên này đưa cho bà tờ giấy hẹn 20 ngày sau đến BHXH quận Long Biên làm thủ tục. Đúng ngày hẹn, bà N.T. đến BHXH quận Long Biên thì bảo vệ cho biết cả cơ quan đi vắng. Ngày hôm sau, quay trở lại, bà được hẹn tiếp một tuần nữa vì hồ sơ chưa về đến nơi và cán bộ dặn bà gọi điện trước khi đến. Đến ngày hẹn, bà N.T. lại ra BHXH quận nhưng rồi trở về tay không và hai ngày sau, hồ sơ của bà mới về tới BHXH quận. Như vậy là mất gần một tháng kể từ lúc làm thủ tục chuyển thì hồ sơ của bà N.T. mới về đến BHXH quận Long Biên. Song, khi bà N.T. đến BHXH quận Long Biên thì thẻ bảo hiểm y tế vẫn chưa có và một lần nữa bà lại được hẹn "tuần sau, gọi điện trước khi đến".
Đơn giản hóa thủ tục, giải quyết đúng quy trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ảnh: Thanh Hải |
Theo tìm hiểu, bà N.T. được biết, thủ tục "giải quyết di chuyển hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện đang hưởng chế độ, về nơi cư trú tại tỉnh, thành phố khác" đã ghi rõ: "Trường hợp do sức khỏe hoặc khó khăn trong việc đi lại thì người lao động làm đơn gửi theo đường công vụ để được chuyển hồ sơ nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tại nơi cư trú mới". Bà N.T. đã tin tưởng thực hiện đúng hướng dẫn về thủ tục theo đường công vụ nhưng đáng buồn là sau cả tháng mất công đi lại nhiều lần mà bà vẫn không biết hồ sơ của mình đã đến đâu và chậm trễ ở chỗ nào?
Tương tự, việc chứng thực các văn bản song ngữ cũng vẫn còn tình trạng người dân đến xã, xã chỉ lên huyện. Bác Nguyễn Thanh Hòa (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) cho biết: "Do bận việc, con tôi nhờ tôi đi chứng thực hộ nhưng ra bộ phận "một cửa" phường Vĩnh Hưng thì cán bộ bảo phải lên quận vì giấy tờ có chữ nước ngoài. Vậy là tôi phải lên quận Hoàng Mai làm. Tiền chứng thực thì mất vài nghìn đồng, nhưng tiền tôi trả cho xe ôm cả đi và về mất tới 80 nghìn đồng. Giá như việc chứng thực giấy tờ này làm tại cấp xã thì thuận tiện cho chúng tôi biết bao".
Chị Dương Kiều Hoa, cán bộ bộ phận "một cửa" phường Vĩnh Hưng cho biết: Trong các cuộc họp về tư pháp trên quận, cả 14 phường thuộc quận đều phản ánh nguyện vọng chung của rất nhiều người dân trên địa bàn như thế nhưng chưa được giải quyết. Nguyên nhân của vướng mắc này xuất hiện từ khi Nghị định 04/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/CP có hiệu lực (3-5-2012) nhưng quy định thiếu rõ ràng. Nghị định này đã bổ sung thẩm quyền cho phòng tư pháp, song lại không có hướng dẫn về văn bản song ngữ, không phân biệt văn bản song ngữ và "có tính chất song ngữ" nên việc áp dụng thực tế gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, còn không ít thủ tục khiến cán bộ và người dân không biết thực hiện sao cho đúng. Cụ thể như bộ phận "một cửa" các phường vẫn gặp các trường hợp đề nghị chứng thực các hợp đồng, giao dịch về dân sự, kinh tế, thương mại… do các cơ quan, tổ chức tự ký kết với nhau hay hợp đồng, giao dịch do cơ quan, tổ chức tự ký kết với cá nhân nhưng phường không thực hiện chứng thực vì không có quy định nào về việc này. Từ cuối năm 2009, Sở Tư pháp Hà Nội đã có công văn xin ý kiến Bộ Tư pháp nhưng đến nay chưa có ý kiến trả lời và các đơn vị buộc phải từ chối người dân nếu gặp phải những vụ việc tương tự. Bên cạnh đó, với nhiều trường hợp như: công dân có hộ tịch nước ngoài yêu cầu UBND phường xác nhận tình trạng hôn nhân thời gian trước khi đi nước ngoài, xác nhận tình trạng hôn nhân từ khi còn nhỏ theo yêu cầu của Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; hay xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết, xác nhận tình trạng hôn nhân cho những người đã kết hôn theo yêu cầu của tổ chức hành nghề công chứng... thì UBND phường, xã thường phải tự vận dụng bằng cách ra văn bản trả lời các cơ quan, tổ chức có yêu cầu bởi đến nay không có quy định trường hợp này.
Chỉ thị số 01/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2013" đã có hiệu lực gần 3 tháng mà đâu đó vẫn còn những phàn nàn, bức xúc của người dân về việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính quả là điều không đáng có. Để "Năm kỷ cương hành chính 2013" thực sự hiệu quả, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện có trách nhiệm, nghiêm túc các quy định của cơ quan về kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó, bảo đảm đúng quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Mặt khác, trước những đề xuất, kiến nghị về những vướng mắc liên quan đến quy định, thủ tục hành chính, các cơ quan có thẩm quyền cần lưu tâm, kịp thời có hướng dẫn để tổ chức, công dân dễ dàng thực hiện và không phải "dài cổ" chờ đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.