Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tục hành chính cửa hẹp, khó làm

Phong Thu| 27/09/2011 07:10

(HNM) - Đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) là việc đã được các bộ, ngành và các cấp chính quyền tích cực thực hiện và đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít những quy định chưa hợp lý, cũng như còn nhiều TTHC rườm rà gây lãng phí.


Thủ tục rườm rà

Theo ông Nguyễn Sỹ Minh, chuyên viên Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), việc cơ quan công dân đang công tác hoặc chính quyền địa phương nơi công dân đăng ký hộ khẩu đóng dấu chứng nhận vào sơ yếu lý lịch là không cần thiết bởi cán bộ chứng nhận không thể nắm rõ được các giai đoạn từ năm nào đến năm nào, người làm sơ yếu lý lịch đó học gì, làm gì ở đâu. Theo ông Minh, trong sơ yếu lý lịch đã có phần ghi rõ "Tôi xin cam đoan bản khai sơ yếu lý lịch trên đúng sự thật, nếu có điều gì không đúng, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình" là quá đầy đủ để khẳng định việc công dân tự chịu trách nhiệm, nên việc chứng nhận của chính quyền là thừa.


Giải quyết hồ sơ cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Trung Tự, quận Đống Đa.   Ảnh: Linh Tâm

Việc chính quyền vẫn phải thực hiện chứng nhận với những nội dung không nằm trong tầm kiểm soát của mình diễn ra phổ biến trong các giao dịch hành chính hiện nay. Thậm chí, ngay cả với những việc chưa có văn bản quy định đó là thủ tục cũng vẫn diễn ra thường xuyên giữa người dân với chính quyền. Cụ thể như bộ phận "một cửa" các xã, phường vẫn thường phải đóng dấu chứng nhận vào đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn để giảm học phí, đơn xác nhận thu nhập thấp, đơn xác nhận sinh hoạt hè, giấy ủy quyền, mua bán trao tay… Trong khi đó, việc chứng nhận của phường chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hộ khẩu xem có đúng người đó thường trú tại địa chỉ đó hay không, còn tất cả các thông tin khác hầu như không thể kiểm soát được và chính quyền không phải chịu trách nhiệm về những thông tin đó.

Bên cạnh đó, việc photo hộ khẩu và sao y bản chính cũng đang được áp dụng tràn lan trong hầu hết các thủ tục. Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) Nguyễn Huy Hài cho rằng: Việc photo và sao y bản chính đang quá bị lạm dụng. Ông Hài cũng dẫn chứng một số việc không cần thiết phải photo hộ khẩu hay sao y bản chính giấy khai sinh như: đơn xin miễn giảm học phí; đơn xin đi học mẫu giáo; hồ sơ mua điện, nước…

Quy định chưa hợp lý

Khoản 2 điều 17 về thủ tục chứng thực chữ ký theo quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký nêu rõ "Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực". Cũng theo quy định thì trưởng, phó phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực… và đóng dấu của phòng tư pháp. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Quyết định số 93/2007/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thì việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu của tổ chức, công dân liên quan đến việc giải quyết TTHC, trong đó có chứng thực chữ ký phải qua bộ phận "một cửa". Cán bộ "một cửa" tiếp nhận hồ sơ rồi mới chuyển lên cho lãnh đạo phòng tư pháp ký chứng thực. Như vậy là người yêu cầu ký chứng thực không thể ký trước mặt người thực hiện chứng thực (là lãnh đạo phòng Tư pháp). Bên cạnh đó, để thực hiện đủ việc chứng thực với các loại giấy tờ, hồ sơ, nhiều đơn vị vẫn phải linh động giải quyết. Chẳng hạn với trường hợp chứng thực vào giấy ủy quyền lĩnh lương hưu, với những cụ tuổi cao, sức yếu, không trực tiếp ra UBND phường, xã được thì không thể thực hiện chứng thực tại cơ quan hành chính nhà nước mà cán bộ tư pháp đến tận nhà người dân để thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương, quy định Chủ tịch UBND cấp xã ký chứng thực là chưa thực hiện được tốt việc giao thẩm quyền cho cấp dưới. Lãnh đạo đã quá nhiều việc lại cuối giờ hằng ngày phải về ký hàng loạt hồ sơ chứng thực, trong khi đó, cán bộ tư pháp ở nhà đủ trình độ thẩm định hồ sơ lại không được ký vì không đủ thẩm quyền. Quy định này cũng làm chậm tiến độ trả hồ sơ theo quy định. Trong khi đó, quy định các thủ tục chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao phải trả ngay trong ngày. Mà cuối giờ chiều lãnh đạo mới ký thì không thể trả ngay trong ngày được, buộc phải hẹn công dân đến hôm sau. Ông Phạm Xuân Phương cũng cho rằng, thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài quy định Chủ tịch UBND TP ký là không cần thiết, mà Chủ tịch UBND TP bận việc; thời gian thực hiện thủ tục kéo dài 30 ngày là quá lâu (!).

Hiện công tác kiểm soát TTHC đang được thực hiện tại các cơ quan hành chính các cấp. Vì thế, mỗi người dân, mỗi cán bộ khi phát hiện vấn đề bất hợp lý trong các quy định về TTHC thì nên phản ánh, kiến nghị và các cơ quan chức năng coi đó là một "kênh" để xem xét, tháo gỡ vướng mắc kịp thời, nhằm xây dựng một nền hành chính minh bạch, thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục hành chính cửa hẹp, khó làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.