Hiện tại, con tôi đã được gần 2 tuổi tuy nhiên trước đây, do thiếu hiểu biết về pháp luật nên vợ chồng tôi vẫn chưa làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu. Xin hỏi luật sư: Có thể khai sinh cho cháu theo thủ tục nào và chúng tôi có bị phạt vì đăng ký khai sinh muộn không? Trần Ngọc Chi Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Hiện tại, con tôi đã được gần 2 tuổi tuy nhiên trước đây, do thiếu hiểu biết về pháp luật nên vợ chồng tôi vẫn chưa làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu. Xin hỏi luật sư: Có thể khai sinh cho cháu theo thủ tục nào và chúng tôi có bị phạt vì đăng ký khai sinh muộn không?
Trần Ngọc Chi Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà (Công ty Luật TNHH YouMe; ĐT: 0913. 55.99.44, website: www.youmevietnam.com) trả lời:
- Tại Điều 14, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định thời hạn đi khai sinh và trách nhiệm khai sinh như sau: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em. Theo quy định tại Điều 43, Nghị định 158/2005/NĐ-CP: Việc sinh chưa đăng ký theo thời hạn đã quy định thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn.
Như vậy, theo thông tin mà bà cung cấp, do con bà đã được gần 2 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh, cho nên, bà phải tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho con theo thủ tục đăng ký quá hạn.
Về thẩm quyền đăng ký khai sinh quá hạn, theo quy định tại Điều 44 và Điều 13, Nghị định 158/2005/NĐ-CP thẩm quyền việc đăng ký khai sinh quá hạn thuộc về UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì UBND cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Tại khoản 1, Điều 45 và khoản 1, Điều 15, Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định về thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn như sau: Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh và xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ở ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Trong trường hợp cán bộ tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 10, Nghị định 60/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người có trách nhiệm phải đi đăng ký khai sinh cho trẻ em không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật quy định.
Như vậy, trường hợp của bà có thể phải chịu hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền do đăng ký khai sinh cho con muộn theo quy định nói trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.