Ngày 11/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Bắc Kinh, Trung Quốc, về đến thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao (HNCC) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về kết quả hội nghị.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá về kết quả nổi bật và ý nghĩa của HNCC APEC lần thứ 22 diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trong hai ngày 10 - 11/11?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị APEC năm nay có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của APEC (1989 - 2014) và 20 năm thực hiện các Mục tiêu Bogor (Bô-go) về thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư (1994 - 2014). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh phục hồi kinh tế chậm hơn dự báo và không bền vững, Vòng đàm phán Doha (Đô-ha) tiếp tục trì trệ, hòa bình và ổn định ở nhiều khu vực đang gặp trở ngại, các thách thức toàn cầu trở nên gay gắt hơn... Nhu cầu duy trì hòa bình, ổn định và đà tăng trưởng của châu Á – Thái Bình Dương vì vậy cũng trở nên cấp bách.
Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, hội nghị đã thông qua hai tuyên bố và 4 văn kiện kèm theo đề ra những định hướng lớn cho liên kết và quyết định thiết lập một số cơ chế hợp tác. Có thể nói rằng, kết quả nổi bật là việc các nhà lãnh đạo khẳng định lợi ích và quyết tâm chung duy trì vai trò của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới. Các nhà lãnh đạo nhất trí, trên cơ sở những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, cần nỗ lực nâng tầm hợp tác, liên kết đề cao vị thế của diễn đàn trong giai đoạn phát triển mới và góp phần duy trì châu Á – Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng, liên kết toàn cầu. Đại diện cho khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 55% GDP và 44% thương mại toàn cầu, APEC đang đem lại những lợi ích thiết thực cho từng nền kinh tế thành viên và cuộc sống của người dân trong khu vực.
Thứ hai, hội nghị đã thông qua “Kế hoạch tổng thể về kết nối APEC giai đoạn 2015 - 2025”. Đây là lần đầu tiên APEC đề ra các biện pháp tăng cường kết nối tổng thể với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là kết nối cơ sở hạ tầng, nhằm tạo thêm động lực hình thành một thị trường chung rộng lớn và không gian thống nhất cho tăng trưởng, phát triển của cả khu vực.
Thứ ba, hội nghị đã nhất trí về “Lộ trình đóng góp của APEC trong hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)”. Như vậy, chỉ trong gần một thập kỷ, ý tưởng về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương nay đã trở thành mục tiêu cụ thể của APEC.
Thứ tư, các nhà lãnh đạo thông qua “Thỏa thuận của APEC về phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”, để tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng, đồng đều và phát huy tiềm năng mới của kinh tế mạng, hợp tác đại dương, ứng phó với các thách thức toàn cầu, an ninh lương thực, ứng phó với thiên tai, cứu hộ cứu nạn, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển...
Với những kết quả đó, hội nghị tiếp tục khẳng định tiềm năng và vai trò quan trọng của APEC trong việc xây dựng quan hệ đối tác vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, gắn kết và thịnh vượng.
Phóng viên: Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã có những đóng góp gì vào thành công chung của HNCC APEC năm nay và các hoạt động quan trọng khác?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham dự HNCC APEC, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Cuộc họp cấp cao Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Đối thoại với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC. Chủ tịch nước là khách mời đặc biệt tại phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC về vấn đề đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.
Đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong tất cả các vấn đề lớn của các hội nghị, thúc đẩy nhiều quan tâm chung. Các thành viên đánh giá cao các đề xuất của ta, nhất là đề cao nhu cầu duy trì hòa bình, ổn định để phục hồi kinh tế, hợp tác và phát triển. Chúng ta đã đề xuất gắn kết chặt chẽ cải cách kinh tế, tăng trưởng, liên kết với phát triển bền vững, các Mục tiêu thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Chúng ta cũng nhấn mạnh hợp tác cần được triển khai trên cơ sở cùng có lợi, tính đến trình độ phát triển của các thành viên, hỗ trợ nâng cao năng lực, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới. Nhiều thành viên tán thành đề nghị của Việt Nam về việc APEC cần đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo, đối tác công tư, hợp tác ngư nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, trợ giúp liên kết tiểu vùng, trong đó có ASEAN, ASEAN lục địa và tiểu vùng Mê Công…. Các thành viên đánh giá cao những kết quả đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực tổ chức thành công tại Việt Nam tháng 9 vừa qua.
Chúng ta cũng đã nêu bật những tiềm năng hợp tác, các ưu tiên phát triển của ASEAN và Việt Nam, cũng như vai trò của ASEAN trong việc khởi xướng ý tưởng, thúc đẩy liên kết, kết nối trong APEC và ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều thành viên cùng các doanh nghiệp khẳng đinh sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ triển khai các ưu tiên của Việt Nam trong tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế, trong đó có việc phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực.
Phóng viên:Xin Thứ trưởng cho biết những thỏa thuận quan trọng đạt được qua các cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong dịp tham dự các hội nghị trên?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn Việt Nam đã tiếp xúc rộng rãi với nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các thành viên APEC, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Indonesia, Hoa Kỳ, Philippines, Chile, Peru, Nga, Hàn Quốc, Quốc vương Bruney, Thủ tướng Nhật Bản, Thái Lan, Papua New Guinea, New Zealand... Chủ tịch nước cũng đã tiếp Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân quốc tế Trung Quốc và gặp gỡ, trao đổi với các tập đoàn thuộc Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC.
Chủ tịch nước và lãnh đạo các thành viên APEC đã trao đổi sâu rộng về tăng cường quan hệ song phương và phương hướng phối hợp tại các diễn đàn đa phương trong bối cảnh có nhiều vấn đề an ninh, phát triển đang nổi lên ở khu vực và trên thế giới. Lãnh đạo các nước nhất trí, để tận dụng cơ hội phục hồi và liên kết kinh tế sôi động ở khu vực, cần cùng triển khai các biện pháp đẩy mạnh hợp tác song phương thiết thực hơn nữa về kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ...
Các thành viên APEC đánh giá cao những những bước triển khai hội nhập quốc tế hiệu quả của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy xu thế đối thoại và liên kết khu vực. Các thành viên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để chuẩn bị đăng cai tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017, cũng như đảm nhận vai trò nước điều phối ASEAN trong APEC năm 2015.
Có thể khẳng định rằng, hợp tác và hội nhập tiếp tục là lợi ích chung và là xu thế chủ đạo ở châu Á – Thái Bình Dương. Liên kết khu vực đang ngày càng trở nên sâu rộng hơn, mang tính liên ngành hơn, với quy mô sâu rộng hơn. Trong tiến trình đó, Cộng đồng ASEAN, Diễn đàn APEC và liên kết đầy tiềm năng trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những hạt nhân rất then chốt. Những cơ hội mới đó đòi hỏi các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tận dụng và tiếp tục tham gia, đóng góp chủ động hơn vào các vấn đề, quan tâm chung của khu vực, đồng thời có những bước chuyển mạnh mẽ hơn trong chuẩn bị trong nước, nhất là về thể chế, pháp lý và nâng cao năng lực triển khai.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.