Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ thuật?

Nữ Quỳnh| 02/10/2011 05:46

(HNM) - Trong lúc Chính phủ đang rốt ráo tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, trong lúc người dân gặp nhiều khó khăn bởi giá cả tăng cao, thì nhiều doanh nghiệp liên tục kêu lỗ.


Đằng sau những "tiếng kêu" ấy có điều gì đáng bàn? Tại sao doanh nghiệp kêu lỗ, thậm chí nhiều năm liền báo lỗ mà vẫn tồn tại?

Mới đây, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, qua kiểm tra gần 500 doanh nghiệp FDI báo lỗ, cơ quan chức năng đã kết luận giảm lỗ hơn 3.600 tỷ đồng, tăng thu ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm ngành thuế sẽ còn kiểm tra khoảng 700 doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ. Con số ấy không nhỏ. Sự thật là một số doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư của Việt Nam, đã liên tục báo lỗ. Qua thẩm tra, Bộ Tài chính đã phát hiện dấu hiệu doanh nghiệp thực hiện chuyển giá (liên tục lỗ tại Việt Nam và chuyển lợi nhuận về công ty mẹ, nơi có thuế suất thấp hơn để đóng thuế), gây thất thu ngân sách nhà nước.

Đó là doanh nghiệp FDI, còn với doanh nghiệp nhà nước thì sao? Thời gian qua, dư luận đã rất ồn ào, nhiều tranh cãi xung quanh các thông tin được một số doanh nghiệp công bố, cũng như diễn biến trên thực tế kinh doanh. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ để đòi tăng giá bán lẻ, trong khi cáo bạch để niêm yết họ lại báo lãi. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo than thở kinh doanh thất bát trong lúc giá và cả lượng gạo xuất khẩu vẫn tăng. Bệnh viện cũng cho rằng các mức phí thấp không còn phù hợp với thực tế, nhưng lại "quên" những khoản thu từ dịch vụ được cho là "siêu lợi nhuận" khác. Ngành điện cũng kêu thiệt thòi vì giá điện thấp, thu không đủ chi, trong khi họ thừa tiền để đầu tư ra ngoài ngành. Rồi ngành than, sắt thép... cũng kêu ca chẳng kém để được xin hỗ trợ, ưu đãi.

Sự thật là các đơn vị này lỗ hay lãi? Câu trả lời không khó, họ vẫn lãi ròng. Nhưng chứng minh được điều ấy lại chẳng dễ vì chưa bao giờ những thông tin về hoạt động kinh doanh của họ được minh bạch trước dư luận. Hơn thế, nhìn từ khía cạnh quản lý cũng chưa có cơ chế buộc các doanh nghiệp "không được kêu lỗ". Với họ vẫn là "cổ dài thì kêu to". Cũng chẳng mất mát gì, mà chỉ được lợi vì nhiều doanh nghiệp cũng nhờ kêu to mà được tăng giá sản phẩm. Chỉ khổ người dân thì cứ như bị hỏa mù, không biết đâu mà lần. Thấy doanh nghiệp kêu lỗ đòi tăng giá, cũng chỉ biết thắc mắc cho có, rồi đành chấp nhận giá mới. Song, nếu cứ mãi như vậy thì lòng tin sẽ bị lung lay. Còn nhớ hồi đầu năm, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (chuyên gia của Bộ Tài chính) phải "kêu lên" trên báo chí rằng: Có nghe bên Hiệp hội Năng lượng nói rằng từ năm 1997 đến nay không có một dự án đầu tư nước ngoài vào ngành điện. Lý do giá điện thấp. Nhưng nếu theo con số của Tổng cục Thống kê thì chính khu vực có đầu tư nước ngoài phát điện cho nền kinh tế Việt Nam đã hỗ trợ cung ứng điện rất tốt. Vậy biết tin ai về đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài vào cung ứng điện cho Việt Nam là bao nhiêu, như thế nào, từ đó lý giải câu chuyện tại sao giá thấp như vậy người ta vẫn làm?

Dường như "kêu lỗ" đã là một thủ thuật trong kinh doanh. Đã đến lúc cần các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc làm rõ trắng đen. Lợi cho dân và tốt cả cho Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ thuật?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.