Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thử thách đang đón chờ tân Tổng Thư ký NATO

Phương Quỳnh| 05/04/2014 07:20

(HNM) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa chọn Tổng Thư ký mới - ông Jens Stoltenberg để thay thế người tiền nhiệm Anders Fogh Rasmussen bắt đầu từ ngày 1-10 tới.



Trong bối cảnh tình hình Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, căng thẳng giữa phương Tây và Nga không ngừng leo thang, việc bổ nhiệm "tướng" mới cho thấy NATO cần một nhân vật quyết đoán và mạnh mẽ để có thể nhanh chóng đưa ra những hoạch định chiến lược trong thời gian tới.

Tân Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg phải giải quyết nhiều bài toán khó.


Sinh ra tại Oslo năm 1959, ông J. Stoltenberg sở hữu bảng thành tích đáng nể trên chính trường, từng hai lần nắm giữ vị trí Thủ tướng Na Uy, lần đầu tiên vào năm 2000 ở tuổi 40, lần thứ hai vào năm 2005 và giữ chức vụ này hai nhiệm kỳ cho đến tháng 10-2013. Ông hiện là lãnh đạo của đảng Lao động Na Uy, đồng thời là lãnh đạo đảng này tại Quốc hội. Trên chính trường, ông J. Stoltenberg được đánh giá là người ưa hành động thay vì lời nói, thường đưa ra các bước đi khôn ngoan, khéo léo nhưng đầy toan tính và quyết đoán. Dư luận Na Uy vẫn chưa quên việc ông J. Stoltenberg giả làm lái xe taxi để thăm dò tâm tư nguyện vọng của người dân trong cuộc đua vào chiếc ghế thủ tướng.

Tuy nhiên, nhiệm vụ sắp tới của "tân thống soái" NATO không hề đơn giản. Dù không đề cập vấn đề Ukraine trong quyết định bổ nhiệm ông J. Stoltenberg nhưng không khó để nhận ra việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cách mà Mátxcơva triển khai quân đội tại đây đã khiến NATO cảm thấy bất an. Điều này buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong cuộc họp Thượng đỉnh khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương vào cuối tháng 3 tại Anh, phải thốt lên rằng: "Đã đến lúc NATO nhấn mạnh vai trò lịch sử của mình trong thế giới hiện đại". Đây cũng chính là trọng trách đặt lên vai ông J. Stoltenberg trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tăng cường vai trò của NATO trong một cục diện mà Nga đang vươn lên, khối quân sự lớn nhất thế giới phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ mà ngân sách quốc phòng là điều gây tranh cãi nhất. Hậu quả của khủng hoảng kinh tế kéo dài đã bóp nghẹt chi tiêu quốc phòng nhiều nước thành viên NATO. Hiện tại, rất nhiều quốc gia không chi trả đủ chi phí 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Để giải bài toán kinh tế này, NATO cần một cái đầu biết cân đong đo đếm. Đây là một trong những lý do J.Stoltenberg được lựa chọn bởi ông đã từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính của Na Uy trước khi làm Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên.

Không chỉ kinh tế, thách thức đối với tân Tổng Thư ký NATO còn là hồ sơ Afghanistan. Liên minh quân sự này đang chuẩn bị khép lại các chiến dịch dài nhất trong lịch sử của NATO nhưng vai trò của liên minh ở chiến trường này trong tương lai vẫn còn chưa được xác định rõ. Theo kế hoạch sứ mệnh của phái bộ quân sự của NATO tại Afghanistan (ISAF) sẽ kết thúc ngày 31-12 tới. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể triển khai lực lượng ISAF sau năm 2014 vẫn chưa được hoàn tất. Nếu không có khung pháp lý này, các binh sĩ của NATO sẽ khó có thể hiện diện tại Afghanistan để triển khai hoạt động huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh nước sở tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thử thách đang đón chờ tân Tổng Thư ký NATO

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.