Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thử thách của đồng euro

Phương Quỳnh| 06/01/2015 06:54

(HNM) - Dù được cho là đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ công, song Châu Âu vẫn chưa thể lạc quan khi nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.


Sau khi chọc thủng "đáy" 5 năm, mở đầu phiên giao dịch sáng 5-1, giá trị đồng euro tiếp tục tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm so với USD, tức là 1,1944 USD/euro, giảm 0,5% so với phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Nhiều nhà phân tích dự đoán, thời gian tới, đà giảm giá của euro so với "đồng bạc xanh" chưa có điểm dừng. Các ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley thậm chí cho rằng trong năm 2015, tỷ giá trao đổi giữa đồng euro và USD xuống tới 1,15 USD/euro. Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng đưa ra nhận định về nguy cơ cơ quan này không hoàn thành nhiệm vụ trong việc bảo vệ sự ổn định tỷ giá hiện đã cao hơn so với nửa năm trước.



Hiện tại, sự giảm giá của euro đang tạo ra hai luồng quan điểm trái ngược tại Châu Âu. Một bên cho rằng, giá trị đồng euro thấp sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Giá cả hàng hóa của Lục địa già sẽ trở nên rẻ hơn trên thị trường. Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, như Đức, sẽ giành được nhiều tính cạnh tranh. Tương tự như vậy, các quốc gia mà ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, nhất là Italia (chiếm khoảng 17% GDP), cũng gia tăng được lợi thế trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, phần đông cho rằng, việc đồng tiền này mất giá sẽ gây ra những tác động tiêu cực như khiến cho những doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn bởi chi phí nhập hàng hóa sẽ tăng, nhất là với nguyên vật liệu sản xuất. Với một số nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu nhập siêu sẽ lớn hơn. Điều đáng lo ngại hơn là việc đồng euro đi xuống đang phản ánh tình trạng kinh tế không mấy sáng sủa của khu vực. Theo các nhà kinh tế, cho đến thời điểm này, có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới sự "mất điểm" của đồng euro. Trước hết là những yếu tố tiêu cực vẫn đang tạo áp lực lên nền kinh tế của Cựu lục địa. Dù thời gian gần đây, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan từ các nền kinh tế được cho là mắt xích yếu của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), song đà phục hồi chậm chạp của các đầu tàu kinh tế không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.

Bên cạnh đó, những dấu hiệu bất ổn về chính trị cũng có tác động không nhỏ tới đồng euro. Điều này là rõ ràng vì sự "bất lực" của chính phủ các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) đối với việc đẩy nhanh tốc độ cải thiện tình trạng kinh tế yếu kém đang khiến các cử tri mất dần sự kiên nhẫn đối với chính sách thắt lưng buộc bụng, tạo điều kiện cho các đảng phái đối lập đảo ngược tình thế. Những gì đang diễn ra ở Hy Lạp là một ví dụ. Dĩ nhiên, các vấn đề của nước này khó có thể một lần nữa đặt ra một mối nguy hiểm thực sự cho khu vực đồng euro. Thế nhưng kết quả bầu cử ở Athens có thể dẫn đến sự hoảng loạn trong thị trường tài chính, gây ra một cuộc khủng hoảng có thể lan rộng. Bên cạnh đó, cuộc tranh cãi về chính sách thắt chặt hầu bao đang tạo ra một "ngòi nổ" cho cuộc chiến giữa bên bảo vệ chính sách khắc khổ và bên phản đối, khoét sâu sự chia rẽ của EU và Eurozone.

Cách đây ít ngày, Chủ tịch ECB M.Draghi cho biết đang chuẩn bị điều chỉnh các biện pháp để chống lại giai đoạn lạm phát thấp kéo dài. Với động thái này, nhiều người cho rằng ECB sẽ khởi động chương trình nới lỏng định lượng vào năm 2015 bằng việc mua trái phiếu chính phủ các nước Châu Âu. Điều này buộc ECB phải in thêm tiền, qua đó đưa tỷ lệ lạm phát của Eurozone, hiện đang gần bằng 0%, lên mức mục tiêu dưới 2%. Đây sẽ là một nguyên nhân nữa khiến đồng euro khó có thể vực dậy trong thời gian tới và đồng tiền này đang đứng trước một cơn khủng hoảng mới đòi hỏi những nỗ lực và điều chỉnh linh hoạt của EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thử thách của đồng euro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.