Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí và lệ phí tần số đóng góp 2.536 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước

Thanh Hà| 19/03/2021 15:00

(HNMO) - Ngày 19-3, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Tần số Vô tuyến điện.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh, Luật Tần số Vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23-11-2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010, đánh dấu mốc quan trọng thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực thông tin vô tuyến, ứng dụng công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số và xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực tần số...

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, công tác quy hoạch tần số đã mở đường cho sự phát triển của các lĩnh vực thông tin di động; phát thanh, truyền hình, từ đó mở đường và thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ băng thông rộng, internet tốc độ cao, tạo tiền đề cho sự phát triển của xã hội thông tin, chính phủ điện tử, chính phủ số.

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện quy hoạch băng tần cho phép doanh nghiệp triển khai mạng di động băng rộng IMT (3G, 4G) trên băng tần 800/900/1800/2100 MHz để doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng vùng phủ sóng mạng 3G/4G với giá thành rẻ hơn tới vùng nông thôn, miền núi và tạo tiền đề để triển khai công nghệ 5G tại vùng đô thị đông dân cư.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G cho các doanh nghiệp viễn thông, tạo tiền đề cho thương mại hóa dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên triển khai mạng 5G trên thế giới.

Cũng trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện, nguồn thu phí và lệ phí tần số đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 2.536 tỷ đồng. Đáng chú ý, công tác quản lý tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh được tăng cường đã phát huy hiệu quả với việc đăng ký thành công tần số và quỹ đạo để phóng vệ tinh Vinassat-2, Redsat-1 cũng như việc đăng ký thành công hàng nghìn tần số, trong đó có tần số tại vùng biển Trường Sa...

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone... đã có những đề xuất cụ thể trong quy hoạch, cấp phép sử dụng băng tần phục vụ cho mạng di động 5G. Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi một số quy định trong Luật cho phù hợp với quá trình chuyển đổi số cũng như trong điều kiện mới hiện nay.

Tiếp thu các ý kiến đề xuất, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các đơn vị liên quan sửa đổi sửa Luật Tần số Vô tuyến điện, tập trung vào một số nội dung: Sửa đổi quy định để làm rõ việc áp dụng hình thức đấu giá, thi tuyển đối với các băng tần dành cho thông tin di động, còn các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao khác sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Thực hiện bổ sung quy định quản lý phù hợp để không cản trở việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới hoặc nghiên cứu, sản xuất thiết bị vô tuyến điện để xuất khẩu. Đồng thời, phân công hợp lý giữa các bộ trong việc cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, hàng không để giảm bớt thủ tục hành chính. Tăng cường hơn nữa hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh của Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí và lệ phí tần số đóng góp 2.536 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.