Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí sao cho hợp lý?

Tuấn Kiệt| 20/06/2015 06:15

(HNM) - Cuộc tranh luận giữa Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh) bên lề Quốc hội ngày 18-6 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Chủ đề của cuộc nói chuyện liên quan đến một khoản phí đối với xe máy.

Xin lật lại vấn đề để hiểu thêm câu chuyện. Đó là việc mới đây Bộ GTVT đưa ra dự thảo lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc ban hành quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại 5 thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Theo đề án, xe máy có niên hạn từ 5 năm trở lên bắt buộc phải kiểm tra khí thải định kỳ và mô tô, xe máy phải đóng phí kiểm định 100.000-150.000 đồng/lần.

Theo giải thích của cơ quan soạn thảo thì khoản phí này "không chồng phí môi trường". Thế nhưng, ngay khi thông tin được đưa ra đã khiến dư luận tranh cãi khá gay gắt. Hầu hết ý kiến người dân qua báo chí đều cho rằng đã phải chịu quá nhiều khoản phí, trong khi xe máy hiện nay đang là "cần câu cơm" của một bộ phận lớn người dân.

Theo dõi cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Đinh La Thăng và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm mới vỡ ra một điều. Đó là sự mâu thuẫn giữa quan điểm của hai người, mà xuất phát điểm từ việc thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật. Trong khi Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định phí này dành cho bảo trì đường bộ địa phương, là đường thôn, huyện... chứ không chỉ bảo trì đường quốc lộ đơn thuần. Còn địa phương để đường lầy lội là trách nhiệm của địa phương. Thế nhưng quan điểm của nữ đại biểu TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, trong điều kiện xã hội hiện nay càng phải bỏ bớt các loại phí không hợp lý, thiếu công bằng và rất khó quản lý. Dân đã đóng nhiều khoản rồi, nếu tiết kiệm ngân sách, điều hành ngân sách hợp lý, thu đủ các khoản như là thu hồi tài sản từ các vụ tham nhũng đã gây ra (thực tế mới chỉ thu được 22%), thì chúng ta dư sức bù đắp vào các khoản mà người dân đóng góp một cách vô lý như vậy. Khi kinh tế phát triển, nếu người dân được hưởng lợi từ sự phát triển đó thì mới phấn khởi. Mà nói cho cùng thì đường cũng do tiền thuế của dân đóng góp và ngân sách chi ra mà thôi!

Quả thật, ra một quyết định thu phí thì dễ, nhưng thực thi nó lại là điều không đơn giản. Quy định thu phí đường bộ đối với xe máy thực hiện tại một số địa phương cho đến nay vẫn chưa hiệu quả, nhiều người dân chưa chấp hành. Nguyên nhân bởi ngoài việc chế tài chưa hợp thực tế, còn có lý do khác là rất nhiều người đi xe máy là người lao động nghèo, nếu thu tiền của họ nữa thì không hợp lý. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều địa phương hiện nay đang kiến nghị bỏ khoản thu này. Ngay như đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khi tranh luận với Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng tới đây có thể sẽ thu khoản này ở mức 0%.

Như vậy, nói gì đi chăng nữa, việc đặt ra bất cứ khoản thuế, phí nào cũng nên xuất phát từ thực tế cuộc sống. Thu phí bảo trì đường bộ hay phí kiểm định môi trường trong khi nhiều tuyến đường chất lượng chưa tương xứng, cũng như mặt bằng kinh tế của người dân còn chưa đồng đều sẽ gây ra sự không công bằng trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí sao cho hợp lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.