Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí cảng biển dự kiến mang về hơn 3.200 tỷ đồng/năm cho thành phố Hồ Chí Minh

An Tôn| 10/12/2020 08:30

(HNMO) - Ngày 9-12, tại kỳ họp thứ hai mươi ba, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã chính thức thông qua đề án “Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh" và giao cơ quan hữu quan thực hiện từ ngày 1-7-2021. Dự kiến mỗi năm, thành phố sẽ thu thêm được hơn 3.200 tỷ đồng.

Các cảng tại thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp nhận lượng hàng hóa chiếm 1/4 tổng lượng hàng hóa hệ thống cảng toàn quốc.

Nhiều kỳ vọng

Một trong những lý do để Đề án Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là thu phí cảng biển) được triển khai là do kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông của đô thị cảng biển thành phố hiện không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng hàng hóa lưu thông qua cảng, gây ùn tắc hàng hóa, giao thông, giảm hiệu quả giao nhận hàng hóa trong khu vực cảng, làm tăng chi phí logistics…, tạo điểm nghẽn trong phát triển kinh tế thành phố.

Cụ thể, sản lượng hàng hóa thực tế thông qua các cảng biển và cảng cạn ICD tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 đã là hơn 170 triệu tấn/năm, chiếm 1/4 tổng lượng hàng hóa qua các cảng trên cả nước. Dự kiến đến năm 2021, sản lượng là 190 triệu tấn/năm, lớn hơn rất nhiều con số 130 triệu tấn/năm vào năm 2025 mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tính toán trước đó. Do lượng hàng hóa quá lớn nên hạ tầng giao thông bên ngoài và bên trong các cảng không đáp ứng được sự gia tăng “chóng mặt” này, dẫn đến tình trạng ách tắc kéo dài, vừa gây mất trật tự an ninh địa phương, vừa gây thiệt hại về lưu chuyển hàng hóa cho cả doanh nghiệp và nhà nước.

Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị được giao chủ trì việc xây dựng đề án này. Theo tính toán, căn cứ lượng hàng hóa qua cảng năm 2019 là hơn 170 triệu tấn và sẽ tăng trung bình 5%/năm, dự kiến, mỗi năm thành phố thu được khoảng 3.200 tỷ đồng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: "Đơn cử, nếu thu phí đầy đủ, thành phố có tiền để hoàn thiện hệ thống giao thông quanh khu vực cảng Cát Lái vào khoảng năm 2023-2024. Lúc đó, vòng quay vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 1,3 lần so với hiện nay. Lợi ích của doanh nghiệp vì thế cũng tăng theo”.

Việc thu phí sẽ thông qua hệ thống điện tử, không thu tiền mặt, thanh toán chuyển khoản qua hệ thống 24/7 của Hải quan thành phố Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, phí cảng biển sẽ được thu tại cảng Cát Lái từ ngày 1-7-2021 và sang tháng 8-2021, sẽ triển khai tại tất cả các cảng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Giải tỏa những băn khoăn

 Có kinh phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hệ thống cảng thành phố Hồ Chí Minh, năng lực thông quan hàng hóa sẽ được nâng cao, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp.

Do những hạn chế về hạ tầng trong và ngoài các cảng biển của thành phố Hồ Chí Minh nên năng lực khai thác của các cảng đang bị hạn chế. Như cảng Cát Lái có thể đáp ứng 85 chuyến tàu cập bến mỗi tuần, song chỉ cho tiếp nhận 81 chuyến. Năng lực khai thác mỗi năm của cảng là khoảng 6,4 triệu teus (1 teu tương đương 1 container 20 feet), nhưng hiện chỉ khai thác ở mức 5,6 triệu teus/năm.

Bên cạnh đó, việc tăng phí cảng biển có thể phát huy tác dụng trong lâu dài, khi năng lực hạ tầng được nâng cao, dẫn đến các cảng có thể tăng lượng hàng hóa thông quan, doanh nghiệp cũng nhờ đó được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thu phí cảng biển sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, ít nhất trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2024.

Tình trạng ách tắc thường xuyên xảy ra bên ngoài và bên trong cảng Cát Lái do hạ tầng giao thông không theo kịp sự gia tăng lượng hàng hóa qua cảng.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng có thể sẽ xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp tìm cách xuất hàng qua những cảng ở các địa phương khác, chứ không qua thành phố Hồ Chí Minh để có chi phí rẻ hơn, từ đó, có nguy cơ làm giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp thành phố.

Trước những băn khoăn này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, thông tin: Đề án thu phí cảng biển vừa được thông qua xây dựng trên cơ sở nghiên cứu hoạt động thực tiễn và hiệu quả của thành phố Hải Phòng từ năm 2017, khi tiến hành thu phí hàng qua cảng.

“Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nguồn thu lớn để quay lại đầu tư nâng cấp hạ tầng các cảng, từ đó tăng năng lực thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho chính doanh nghiệp”, ông Trần Quang Lâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí cảng biển dự kiến mang về hơn 3.200 tỷ đồng/năm cho thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.