(HNM) - Cuốn sách về tranh chữ đầu tiên ở Việt Nam -
Ông đồ Bùi Hạnh Cẩn. |
Điều đáng chú ý, tác giả của cuốn sách là một người đã bước vào tuổi 91 - ông Bùi Hạnh Cẩn, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Hà Nội. Cuốn sách là tập hợp gần 100 tranh chữ trong hàng ngàn bức ông đồ Bùi Hạnh Cẩn đã vẽ, như chữ Đạo, chữ Ngựa, chữ Trâu, chữ Vô vi và nhiều ý thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính, Quang Dũng: "Hai bên thì núi giữa thì sông", "Chừ đây bên nớ bên tê", "Cô hái mơ ơi…", "Sông Mã xa rồi"… vốn đã được nhiều người biết đến và yêu thích.
Bùi Hạnh Cẩn tự ví mình là "ông già tỉnh lẻ" (vì sinh năm 1919 ở thôn Vân, Vụ Bản, Nam Định). Nhưng cuộc đời ông lại gắn chặt với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, ở làng Võng Thị ven hồ Tây. Bạn bè thì gọi Bùi Hạnh Cẩn là "ông đồ tài tử". Bởi khác với nhiều ông đồ Tết đến xuân về thường "bày mực Tàu giấy đỏ" vẽ những Tâm, Phúc, Đức, Lộc, Thọ… phục vụ khách chơi xuân. Ông Bùi Hạnh Cẩn đã tìm cho mình một lối đi riêng, đó là kết hợp chữ Nôm, chữ Hán, chữ Esperanto để hình thành những bức tranh chữ. Đời Bùi Hạnh Cẩn dường như là một cuộc hành trình của sự tìm kiếm không biết mệt mỏi. "Phải luôn luôn mới" - đó là lời tâm sự với bạn bè, mà cũng có thể chính là mệnh lệnh thường vang lên trong tâm khảm "ông đồ tài tử" tuổi 91 này.
Một tác phẩm của Bùi Hạnh Cẩn. |
Đến với tranh chữ, Bùi Hạnh Cẩn cũng chỉ ví đó là một "thử nghiệm nhỏ" để mình không mòn không cũ. Nhưng sau nhiều năm miệt mài "thử nghiệm", cộng với vốn kiến thức uyên thâm có cả Hán, Nôm, Pháp… đã giúp cho những bức tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn thực sự có hồn, có ý, được mọi người thán phục. Nhiều năm trước, nhà báo Thép Mới đã từng viết: "Thử nghiệm của Bùi Hạnh Cẩn gợi nhiều suy nghĩ về những cách tiếp cận văn hóa dân tộc, là sống lại hồn xưa, không theo phương châm bình cũ rượu mới, mà có một sự cố gắng, với tâm hồn đương đại, cảm một cái gì bền vững và sâu lắng của quê hương…".
Nhiều bức tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn đã tạo nên bất ngờ đầy thú vị cho người xem, vì họ có thể nhìn hình đoán chữ và ngược lại, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài. Như bức tranh chữ "Ngựa" có hình một con ngựa đang sải bước tung bờm cách điệu từ chữ "Mã" của tiếng Hán hay bức tranh con trâu được "vẽ" theo chữ "Ngưu", rồi bức "Chi chi", "Xuân, Tết" có hoa, có rượu, rồi bức chữ "Đạo", chữ "Đò"… Tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn đã đạt cả độ hình và ý, hội họa và ngôn ngữ hòa quyện vào nhau làm nên những nét riêng, độc đáo để bất cứ ai xem một lần đều nhớ. Nhà văn Mai Thục đánh giá: "Xem tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn tôi có cảm giác ông "ngồi buồn mà vẽ chữ chơi". Nhưng cái "chơi" ở đây thuộc về nghệ thuật. Cái chơi hàm ẩn một tinh thần triết học phương Đông uyên bác, bí ẩn và gợi cảm…".
Với cuốn sách "Tranh chữ" vừa được NXB Thời Đại ấn hành, những "thử nghiệm nhỏ" của Bùi Hạnh Cẩn đã chính thức được ghi nhận như một loại hình nghệ thuật cần có thêm những người tiếp bước để hoàn chỉnh và phát huy những giá trị mà có thể khó tìm thấy ở những cách thể hiện khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.