Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành xi măng: Thận trọng không thừa

Khánh Khoa| 09/05/2013 06:25

(HNM) - Thương vụ Tập đoàn Semen Glesik (Indonesia) mua lại 70% cổ phần xi măng Thăng Long (với trị giá 230 triệu USD) của Công ty Geleximco có thể là sự mở đầu cho một đợt mua bán, sáp nhập...

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), các doanh nghiệp (DN) xi măng buộc phải tái cơ cấu để đối phó với khó khăn và trong 3 năm qua đã, đang có 10 thương vụ mua bán, sáp nhập như vậy. Tính chất chung của các thương vụ là DN xi măng quản trị kém, nợ nhiều, lâm vào tình cảnh phá sản buộc phải bán cho nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh hơn, có năng lực quản trị cao hơn; hoặc không lâm vào cảnh khó khăn về tài chính, song hiệu quả kinh doanh thấp, công ty mẹ cũng quyết định thoái vốn để tập trung nguồn lực tài chính vào những mảng kinh doanh chính. Vậy ai sẽ là những nhà đầu tư chiến lược?

Ngành xi măng đang gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thanh Hải


Dưới góc độ nhà đầu tư tài chính, đầu tư vào cổ phiếu xi măng có vẻ rẻ, nhưng không biết đến bao giờ DN mới trả hết nợ và có lãi để chi trả cổ đông. Đối với DN ngoài ngành xi măng, lĩnh vực này cũng không hấp dẫn, trái lại, còn đầy rủi ro nên không được quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ ít nhà đầu tư trong nước đủ tiềm lực tài chính để mua lại các nhà máy xi măng kinh doanh kém hiệu quả, nên DN xi măng trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài. Trong vài thương vụ gần đây đã xuất hiện các nhà đầu tư đến từ khu vực ASEAN, nhất là Thái Lan, Malaysia, Indonesia khi thị trường chứng khoán các nước này tăng trưởng liên tục những năm qua và đồng nghĩa với việc họ dễ dàng thu hút được vốn cổ phần giá rẻ.

Họ cũng có kinh nghiệm qua cuộc khủng hoảng tài chính 1997-2001 và sự kiện Semen Glesik mua lại cổ phần xi măng Thăng Long là ví dụ, bởi nhà máy này có lợi thế về vị trí cảng biển, trong khi Semen Glesik đang cần tăng sản lượng để giữ thị phần trong nước.

Rõ ràng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xi măng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN xi măng. Với nguồn vốn quy đổi ra hàng nghìn tỷ đồng, các nhà máy xi măng có thể cơ cấu được nguồn vốn, cùng với đó tăng cường trình độ quản trị, mở thêm thị trường xuất khẩu giảm bớt áp lực cạnh tranh trong nước. Mặt khác, nhờ hệ thống phân phối có sẵn của nhà đầu tư, giá xi măng xuất khẩu có thể cao hơn, tiêu thụ dễ dàng hơn DN trong nước.

Theo tính toán của VAFI, nếu tích cực xúc tiến thu hút nhà đầu tư, có thể có thêm 7 DN xi măng được mua bán; sản lượng xi măng xuất khẩu có thể tăng thêm 10 triệu tấn/năm, vừa giải quyết bài toán đầu ra cho ngành, vừa giải quyết nợ xấu tiềm ẩn cho hệ thống tín dụng. VAFI đề xuất, với DN niêm yết thuộc lĩnh vực kinh doanh không nhạy cảm, Nhà nước cần có chính sách không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhằm dễ dàng thu hút nhà đầu tư. Trong khi, DN muốn nhanh chóng tái cấu trúc tài chính, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng nên xúc tiến thu hút nhà đầu tư nước ngoài, có thể bán cổ phần đa số hoặc chi phối. Riêng DN thuộc Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), VAFI cho rằng cần ưu tiên cứu DN và ngành xi măng trước thông qua mua bán, sáp nhập; điều đó có nghĩa không nên duy trì quan điểm Vicem phải nắm cổ phần chi phối ở những DN đó.

Liên quan đến việc mua bán nhà máy xi măng, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Xây dựng, trong đó lưu ý không để tình trạng DN nước ngoài lợi dụng khó khăn để thôn tính DN xi măng trong nước, gây tổn hại lợi ích quốc gia. Không hẳn phản đối các thương vụ mua bán, sáp nhập, nhưng Hội Vật liệu xây dựng đề xuất, trước hết tái cấu trúc DN xi măng theo hướng hình thành tổ hợp sản xuất lớn, đủ sức cạnh tranh, làm chủ thị trường. Không để các tập đoàn xi măng nước ngoài thôn tính nhà máy xi măng lớn trong nước có lợi thế cạnh tranh, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, có địa thế ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, biến nước ta thành nơi cung cấp tài nguyên, năng lượng, lao động.

Vấn đề của ngành xi măng hiện nay là tình trạng sụt giảm tiêu thụ, hàng tồn kho tăng. Thống kê cho thấy, nhu cầu xi măng nội địa trong 3 năm 2011-2013 giảm khoảng 14-15 triệu tấn. Ước tính đến năm 2015, nhu cầu tiêu thụ khoảng 60-65 triệu tấn, trong khi theo quy hoạch phát triển, sản lượng dự báo lên tới 75-76 triệu tấn. Nếu tiếp tục đầu tư theo quy hoạch, đến năm 2015, tổng công suất các nhà máy xi măng đạt tới 94 triệu tấn, thừa khoảng 25 triệu tấn; đến năm 2020 công suất lên tới 129 triệu tấn, thừa hơn 40 triệu tấn. Đa số nhà máy xi măng lâm cảnh nợ chồng nợ, tổng vay nợ gấp 4-6 lần chủ sở hữu, đa số kinh doanh thua lỗ, nợ xấu tiềm ẩn ảnh hưởng tới cổ đông, hệ thống ngân hàng. Theo VAFI, dấu hiệu dư thừa công suất đã bộc lộ cách đây nhiều năm và lẽ ra Bộ Xây dựng phải có ngay chính sách điều chỉnh quy hoạch theo hướng đầu tư có chọn lọc, cùng với đó hạn chế ưu đãi về tín dụng đầu tư, bảo lãnh… Hiện tại, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về năng lực sản xuất xi măng, nhưng nền kinh tế còn khoảng cách lớn so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia... trong khi khả năng và hiệu quả xuất khẩu xi măng được coi là khó và kém.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành xi măng: Thận trọng không thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.