Chiều 30/6, Ban chỉ đạo thăm dò, khai quật khảo cổ Di sản văn hóa dưới nước tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp báo thông tin kết quả sơ bộ khai quật tàu cổ bị đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Quá trình khai quật con tàu này diễn ra từ 4/6 đến 23/6. Đơn vị khai quật đã thu được 268 thùng hiện vật, trong đó có 91 thùng với hơn 4000 hiện vật tương đối còn nguyên vẹn. Những cổ vật thu được phong phú về chủng loại như một số kim loại bằng đồng, tiền đồng, đồ gốm men nâu, đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh, đồ gốm men màu.
Cổ vật được khai quật từ con tàu bị đắm. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN) |
Qua xem xét các loại hình thuộc dòng đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh, đơn vị khai quật cho rằng đây là các loại đồ gốm sứ thuộc thế kỷ XIII. Đặc biệt là các đồng tiền cho thấy đồng tiền muộn nhất cũng vào thế kỷ XIII.
Tất cả những hiện vật này được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện xác tàu đã lộ rõ với chiều dài từ đuôi tàu cho đến phần mũi là 20,5m; chiều ngang rộng nhất của tàu nằm phía sau khoảng giữa tàu là 5,6m; thân tàu được chia làm 13 khoang, có 12 vách ngăn. Theo những vết tích từ khoang số 4 đến số 6 thì nguyên nhân tàu chìm là do bị cháy.
[Trục vớt hiện vật trên tàu cổ đắm ở biển Quảng Ngãi]
Đơn vị khai quật đã thu hồi một số mẫu gỗ để phân tích chất liệu gỗ và niên đại. Các chuyên gia cũng tập trung nghiên cứu ván đóng tàu, mũi tàu, các vách ngăn và khung tàu, các thanh ván nẹp dọc, cột buồm chính, cột buồm trước, kết cấu và bánh lái.
Cuộc khai quật tàu cổ này là cuộc khai quật tàu cổ thứ 6 trong vùng biển Việt Nam và là hiện tượng mới chưa từng có trong khai quật khảo cổ học dưới nước. Kết quả khai quật đóng góp vào việc nghiên cứu con đường tơ lụa trên biển ở biển Đông trong nhiều thế kỷ trước. Các hiện vật mang lại nhiều nhận thức mới về đồ gốm sứ thế kỷ XIII tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây là những tài liệu hiện vật đóng góp đặc biệt quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Hiện trạng con tàu tuy cách ngày nay gần 700 năm nhưng còn khá nguyên vẹn có cấu trúc độc đáo hiếm thấy, là một hiện vật cổ quan trọng rất có giá trị đóng góp vào việc nghiên cứu tàu cổ trên thế giới.
Tại buổi họp báo, ông Đoàn Sung, cố vấn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đoàn Ánh Dương - đơn vị khai quật cho biết: Công ty sẽ tiếp tục trục vớt trên diện tích 300m quanh khu vực tàu bị đắm. Công ty sẽ đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho khảo sát quanh khu vực tàu đắm bởi có những dấu hiệu cho thấy một số cổ vật không phải của con tàu này. Việc vỏ tàu sẽ được trục vớt hay giữ nguyên tại chỗ để làm điểm tham quan du lịch sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia cho rằng, giá trị của con tàu không kém so với giá trị của hiện vật. Nếu không thể trục vớt nguyên vẹn thì có thể trục vớt từng bộ phận của tàu rồi tiến hành phục dựng lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.