(HNMO) - 8.137 tỷ đồng là số tiền nợ thuế mà ngành thuế Hà Nội đã thu hồi, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trong 10 tháng đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế TP Hà Nội |
Trao đổi với phóng viên báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (NNT), Cục Thuế Hà Nội cho biết, bên cạnh việc quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hồi nợ đọng thuế, ngành thuế Hà Nội luôn lắng nghe, chia sẻ và động viên DN phân bổ hợp lý dòng tiền để có thể vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa có thể thu xếp nộp nợ vào NSNN.
- Thu hồi nợ đọng thuế là một trong những nhiệm vụ khó khăn của toàn ngành thuế cũng như Cục Thuế TP Hà Nội, song công tác thu nợ trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan. Bà có thể chia sẻ thêm về công tác thu hồi nợ đọng trên địa bàn Hà Nội?
Những biến động của nền kinh tế trong giai đoạn 2007 - 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến kinh tế cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn trong sản xuất kinh doanh (SXKD), nên không có tiền để nộp thuế, dẫn đến nợ đọng thuế gia tăng. Nếu như năm 2007, nợ có khả năng thu là 2.090 tỷ đồng, chiếm 5% tổng số thu nội địa của thành phố; chậm nộp 188 tỷ đồng, chiếm 9% số nợ, thì đến năm 2014, nợ có khả năng thu 18.600 tỷ đồng, chiếm 17,3%; tiền chậm nộp 5.275 tỷ đồng, chiếm 28,4%...
Từ đầu năm 2015 đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang website của cơ quan thuế 7 đợt danh sách 588 đơn vị nợ thuế lớn với số tiền thuế nợ trên 5.500 tỷ đồng; 40 dự án nợ tiền sử dụng đất lớn với số tiền nợ là 2.340 tỷ đồng. Sau công khai, 25 đơn vị trả hết nợ với số tiền 728,054 tỷ đồng. |
Trong quá trình triển khai các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền thuế, đặc biệt đối với các trường hợp nợ tiền sử dụng đất (SDĐ), Cục Thuế Hà Nội nhận thấy, có một số nguyên nhân tập trung như: Một số dự án hiện chưa triển khai hoặc chậm tiến độ triển khai, không có khả năng về tài chính nên nợ tiền SDĐ. Một số dự án đang làm hạ tầng, xây móng nên chưa đủ điều kiện huy động vốn dẫn đến nợ tiền SDĐ. Một số dự án tuy đã đủ điều kiện bán hàng, huy động vốn nhưng vẫn chưa bán được hàng, chưa huy động được vốn do thị trường vẫn còn khó khăn về nhu cầu nhà ở. Đặc biệt, một số dự án tuy đã được hưởng ưu đãi gia hạn nộp tiền SDĐ theo các nghị quyết của Chính phủ nhưng do khó khăn về tài chính nên đến hạn nộp vẫn nợ tiền SDĐ.
Ngành thuế Hà Nội xác định, vấn đề nợ thuế là khó khăn thách thức phải vượt qua của cả cơ quan thuế, các DN. Chính vì vậy, cơ quan thuế vừa thực hiện đúng quy định vừa phải lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động SXKD, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN…
Trên thực tế sau khi triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong đó có việc công khai danh tính các DN nợ đọng thuế, đã có 25/562 đơn vị công khai danh tính nộp hết nợ thuế vào NSNN, trong đó 12/40 dự án nộp hết số thuế nợ và 13/522 DN nộp hết nợ thuế, phí… Việc quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế mà còn bảo đảm công bằng giữa những người nộp thuế (NNT) trong quá trình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN).
- Trên thực tế, thu hồi nợ đọng thuế luôn là một nhiệm vụ khó khăn vậy bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà ngành thuế Hà Nội đã triển khai?
Bên cạnh việc phân loại nợ theo từng ngưỡng nợ, căn cứ nguồn nhân lực để xử lý nợ từ đối tượng cao xuống thấp, ngành Thuế Hà Nội đã xác định rõ các đối tượng chây ì, nợ dây dưa kéo dài; phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu. Cục thuế đã ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp đối với đối tượng nợ thuế để đôn đốc nộp nợ, lựa chọn áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thích hợp để tổ chức cưỡng chế nợ quyết liệt, đạt hiệu quả cao nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình, đúng luật định...
Cục Thuế Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những đối tượng nợ thuế kéo dài, đặc biệt là các dự án nợ tiền SDĐ, tiền thuê đất lâu ngày, số nợ lớn hoặc đã được UBND thành phố quyết định gia hạn nhưng không chấp hành nộp đúng thời hạn.
Song song với những biện pháp quyết liệt nêu trên, Cục Thuế Hà Nội kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển SXKD, qua đó tăng thu nhập, có nguồn tài chính để nộp tiền nợ thuế. Cục thuế cũng thực hiện tốt việc gia hạn nợ, xóa nợ thuế theo chính sách hiện hành; chủ động phối hợp với các sở, ngành thường xuyên rà soát, kiến nghị, tham mưu thành phố cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với pháp luật hiện hành…
Việc sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, động viên DN phân bổ hợp lý dòng tiền để vừa có thể duy trì SXKD vừa có thể nộp nợ vào NSNN đã giúp ngành thuế Hà Nội thu hồi nợ đạt kết quả cao.
- Vậy với những DN cố tình chây ỳ, sau khi đã đăng tải công khai nợ thuế vẫn không nộp nợ vào NSNN, Cục Thuế Hà Nội sẽ có biện pháp xử lý như thế nào, thưa bà?
Sau khi thực hiện đăng công khai DN nợ thuế và dự án nợ tiền SDĐ, các đơn vị đã có phản ứng tích cực, liên hệ với cơ quan thuế trao đổi và cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất.
Đối với những DN cố tình chây ỳ, Cục Thuế Hà Nội sẽ áp dụng những biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn như: trích tiền từ tài khoản của NNT tại kho bạc, tổ chức tín dụng, yêu cầu các đơn vị này thực hiện phong tỏa tài khoản; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ…Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo được thực hiện khi không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền thuế nợ.
Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.