Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ đô vững bước trên con đường phát triển

Võ Lâm| 01/08/2011 06:54

LTS: Hôm nay 1-8-2011, tròn 3 năm Thủ đô Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Nhân dịp này, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới về những vấn đề đang được cả nước quan tâm. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

LTS: Hôm nay 1-8-2011, tròn 3 năm Thủ đô Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Ba năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị và đã giành được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong tiến trình đó, vẫn còn rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra đòi hỏi phải được tiếp tục giải quyết có hiệu quả. Nhân dịp này, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới về những vấn đề đang được cả nước quan tâm. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thành công của tinh thần “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm”

- Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy. Đã 3 năm kể từ ngày Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính. 3 năm trước đây, nhiều người có lẽ khó có thể hình dung được những đổi thay của Hà Nội hôm nay, đặc biệt, những băn khoăn, lo lắng về sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước, sự hòa hợp của những sắc thái văn hóa, lối sống khác nhau… trên địa bàn Hà Nội mở rộng đã được giải quyết thực sự có hiệu quả. Xin đồng chí cho biết, 3 năm qua, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng nào?


Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm đồng bào công giáo xứ đạo Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Ảnh: Bá Hoạt

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Phóng viên đã đặt cho tôi một câu hỏi quan trọng về một vấn đề rất lớn. Đúng là ở thời điểm đó, có không ít người rất băn khoăn, lo lắng về khả năng tổ chức thực hiện, về những xáo trộn trong tổ chức bộ máy, về tâm lý, tình cảm của cán bộ, nhân dân. Bản thân những người trực tiếp thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội càng băn khoăn, lo lắng. Bởi vì ai cũng biết, Hà Nội mở rộng lần này quy mô rất lớn, không chỉ về diện tích, số dân, mà kèm theo đó là một khối lượng công việc khổng lồ cần phải triển khai. Nhưng, với sự chỉ đạo sát sao của trung ương; sự đoàn kết, nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương tham gia hợp nhất; bằng cách làm chủ động, sáng tạo, đặc biệt là hết sức coi trọng phát huy dân chủ, chúng ta đã thực hiện thành công Nghị quyết 15 của Quốc hội.

Ba năm là quãng thời gian cũng đủ để có thể đưa ra những đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 15. Có lẽ, cái được lớn nhất của Hà Nội trong 3 năm qua là sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao trong Đảng bộ và nhân dân. Đó là kết quả quan trọng nhất, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đạt được những thành công trên các lĩnh vực khác. Ai cũng biết, việc khó nhất là sắp xếp bộ máy, cán bộ sau hợp nhất. Việc này thành phố đã làm rất tốt. Điều dễ nhận thấy, bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp của thành phố vận hành trơn tru, hiệu quả ngay từ ngày đầu.

Mặc dù phải đối diện với biết bao khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới, của thiên tai, dịch bệnh…; phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, như tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XV Đảng bộ thành phố, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và đặc biệt là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

- Ở các lĩnh vực, so với 3 năm về trước, Hà Nội đã có những bước phát triển cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Thủ đô Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là, tình hình chính trị trên địa bàn luôn ổn định; các giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Kết luận số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11 của Chính phủ được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả. Mặc dù khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh, nhưng Hà Nội vẫn duy trì tốt vị trí “đầu tàu” của cả nước trong 3 năm qua. Năm 2010, GDP của thành phố tăng 1,2 lần so với năm 2008; GDP bình quân đầu người đã tăng đáng kể, từ 1.689 USD năm 2008 lên 1.964 USD năm 2010. Thu ngân sách tăng từ trên 72 ngàn tỷ đồng lên trên 100 ngàn tỷ đồng năm 2010. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, dù phải đối mặt với những khó khăn ngoài dự liệu, Hà Nội vẫn đạt mức tăng trưởng 9,3% và khả năng đạt 10% cả năm 2011. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, nhất là ở các vùng xa trung tâm. 3 năm qua, thành phố đã đầu tư xây mới để thay thế trên 5.500 phòng học tạm, phòng học cấp 4 trên địa bàn; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng từ 76% cuối năm 2008 lên 97,2% cuối năm 2010, dự kiến đạt 100% vào cuối năm 2011. Nhân dân rất vui mừng nhận thấy bộ mặt đô thị, nông thôn của Hà Nội có nhiều khởi sắc, văn minh, hiện đại hơn. An ninh, quốc phòng của thành phố luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ngày càng có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của thành phố luôn được chú trọng. Đặc biệt, sự kiện ngàn năm có một là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức thành công, tạo dấu ấn hết sức tốt đẹp trong lòng nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè thế giới.

Nhìn vào kết quả của Thủ đô sau 3 năm hợp nhất, chúng ta thấy Hà Nội hôm nay có thêm nhiều nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững. Khu vực nông thôn - ngoại thành đã có thêm sức sống, đang ngày càng đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Nhìn vào những thành tựu đó, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm 1-8-2008 và Hà Nội hôm nay. Và, một lẽ rất tự nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng để có được những thành công như ngày hôm nay, chúng ta đã xóa đi những băn khoăn, lo lắng của 3 năm trước đây.

- Đâu là nguyên nhân của những thành công đó, thưa đồng chí?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Ngoài yếu tố chủ trương, quyết sách đúng, khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, thành phố đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm rất ngắn gọn, song rất quan trọng: “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm”. Thật ra không có phép lạ nào đã giúp chúng ta, mà chính tất cả mọi người đều chung tay, góp sức làm nên những thành công thật sự tự hào.

- Những công việc liên quan đến mở rộng Hà Nội vẫn chưa hết. Theo đồng chí, thành phố sẽ phải quan tâm đến những vấn đề nổi bật gì trong thời gian tới?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Đúng vậy. Với một Thủ đô đang trong quá trình CNH, HĐH hết sức nhanh chóng, thì làm sao có thể nói là hết việc được. Hơn nữa, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) là một quyết định lịch sử. Tôi luôn nghĩ đó là quyết định có ý nghĩa và tầm nhìn cho cả trăm năm. Vì thế, thực hiện quyết định này là một quá trình để biến ước mơ thành hiện thực, từ tư duy, nhận thức đến hành động; từ những việc làm tổng thể, cơ bản đến những việc cụ thể, chi tiết; cần sự chuyển động của cả bộ máy, cơ chế đến tâm lý, thói quen, việc làm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân mỗi cán bộ và từng người dân Thủ đô. Vì vậy, có thể nói, những công việc liên quan đến điều chỉnh địa giới Thủ đô vẫn còn không ít và thành phố sẽ phải tiếp tục quan tâm, có biện pháp để giải quyết, không thể nôn nóng nhưng cũng không thể chần chừ, từ việc hoàn thành, triển khai thực hiện các quy hoạch chung, tổng thể đến những việc cụ thể đối với từng lĩnh vực. Cần tiếp tục giải quyết những khác biệt về cơ chế chính sách; những khác biệt hay chênh lệch về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; về cách thức quản lý, điều hành giữa các vùng, khu vực trước khi hợp nhất… Thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, công trình cụ thể. Trong quá trình đó, rất cần có sự hợp tác tích cực của cán bộ và nhân dân, đặc biệt là từ cấp cơ sở và những người liên quan trực tiếp.

Trước mắt, thành phố tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố thông qua 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy; thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của năm 2011 và các năm tiếp theo; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở những vùng nông thôn, khu vực xa trung tâm, để mỗi người dân có thể cảm nhận rõ nhất những đổi thay của Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính.

Không lùi bước trước thử thách

- Có thể nói, thành công sau 3 năm hợp nhất là hết sức đáng vui mừng. Nhưng rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp cũng đang đặt ra đối với thành phố. Chẳng hạn như tình trạng mất cân đối trong phát triển đô thị, phát triển nhà ở nhưng không đồng bộ với xây dựng trường học, bệnh viện… Thành phố sẽ giải quyết những vấn đề này ra sao, thưa đồng chí Bí thư Thành ủy?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Ngh
ị: Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nên những hệ lụy, những khó khăn, thử thách nảy sinh là khó tránh khỏi. Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đã phân tích, đánh giá cụ thể những vấn đề này, từ đó xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện trong 5 năm tới. Để triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, Thành ủy xây dựng 9 chương trình công tác lớn để cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu và khâu đột phá kể trên, bảo đảm phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Riêng về vấn đề mất cân đối trong phát triển đô thị, phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp sự phát triển của nhà ở và dân cư, thành phố đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành trên cơ sở rà soát, phân tích sâu sắc tình hình cụ thể từng khu vực để đề xuất phương án giải quyết. Về cơ chế, thành phố sẽ xây dựng các quy định nhằm tăng cường ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với các cấp, các ngành và nhất là các chủ đầu tư. Đây cũng là một nội dung quan trọng của yêu cầu không ngừng đổi mới công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành và công tác cán bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là của chính quyền cấp cơ sở.

- Không chỉ chính quyền mà nhiều người dân Hà Nội đã rất mong Quốc hội thông qua Luật Thủ đô để có thể áp dụng những chính sách đặc thù với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý, đưa Thủ đô của chúng ta phát triển văn minh, hiện đại. Đồng chí suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Hà Nội mong muốn có Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho thành phố làm tốt công tác quản lý nhà nước. Hà Nội là Thủ đô, là đô thị đặc biệt, có những tính chất đặc thù khác với những đô thị khác, càng rất khác với các địa phương không phải là thành phố, đô thị, như vấn đề xây dựng và quản lý quy hoạch; quản lý đô thị, trật tự giao thông, quản lý hè, đường phố… Hà Nội cần phải trở thành một Thủ đô văn minh, hiện đại của đất nước, do đó cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp với mục tiêu đó.

Do đây là một đạo luật có tính đặc thù cao, chưa có tiền lệ, nên việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo luật này là cũng có thể hiểu được. Chúng ta sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh để trình Quốc hội khóa XIII.

Vì Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại

- Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, tháng 7 vừa qua có hai sự kiện quan trọng đối với Hà Nội là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng chí đánh giá thế nào về giá trị của hai bản quy hoạch này?


- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Đây là hai quy hoạch mang tầm chiến lược đối với sự phát triển Thủ đô của chúng ta. Với hai quy hoạch này, chúng ta có cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Giờ đây, rất nhiều dự án, chương trình phát triển không phải chờ quy hoạch. Nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài có cơ hội được giải quyết.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thấy rằng, để đưa các quy hoạch này vào cuộc sống là một quá trình. Nhiệm vụ trước mắt là chúng ta phải tập trung xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết, phải rà soát, đối chiếu với hàng mấy trăm dự án, rồi tổ chức bộ máy quản lý, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ… Một khối lượng công việc rất lớn đang còn ở phía trước. Thành phố sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai công việc.

- Hà Nội trước đây đã từng có quy hoạch chung, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa lần nào được thực hiện hoàn chỉnh. Rút kinh nghiệm các lần trước, lần này thành phố sẽ áp dụng các biện pháp nào để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch và để những bất cập về quy hoạch của Hà Nội sẽ không lặp lại, thưa đồng chí?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Những yếu kém trong thực hiện quy hoạch trước đây chắc chắn sẽ được rút kinh nghiệm nghiêm túc và phải có giải pháp khắc phục. Thành phố nhận thức sâu sắc về giá trị của bản quy hoạch cũng như tính chất, tầm quan trọng của nó đối với tương lai phát triển của Thủ đô. Vì vậy, Đảng bộ và chính quyền thành phố sẽ cố gắng bằng tâm huyết và trách nhiệm cao nhất triển khai hiệu quả quy hoạch này. Trong quá trình thực hiện, chúng ta mong muốn trung ương, các bộ, ngành liên quan hết sức hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho thành phố. Sự ủng hộ, giám sát, kiểm tra của người dân cũng là yếu tố hết sức quan trọng đối với việc thực hiện quy hoạch này.

- Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, sau 3 năm mở rộng, Thủ đô của chúng ta đã có bộ máy quản lý được kiện toàn, thống nhất và giờ đây lại có thêm hai bản quy hoạch quan trọng. Hà Nội phải chăng đã có đủ hành trang để gác lại những băn khoăn về hợp nhất và bước sang một thời kỳ phát triển mới?


- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Ngh
ị: Sau 3 năm hợp nhất, giờ đây mọi việc đã đi vào ổn định, Thủ đô của chúng ta có thể nói, đã là một cơ thể thống nhất, mạnh mẽ và đầy sức sống. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Thủ đô vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mới, dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng bằng tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, bằng quyết tâm cao độ như chúng ta đã thể hiện trong 3 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhất định sẽ xây dựng Thủ đô Hà Nội thân yêu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng tin tưởng, một Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” đang hằng ngày, hằng giờ hiện lên trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Biến đổi bước đầu, tích cực của một thành phố vừa được mở rộng


Vào giữa nhiệm kỳ, Hà Nội còn phải thực hiện một chủ trương có ý nghĩa lịch sử là việc mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII với một khối lượng công việc rất lớn; và ngay sau khi hợp nhất, lại phải khắc phục hậu quả nặng nề của đợt mưa lớn và ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã tranh thủ thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo ra những biến đổi bước đầu, tích cực của một thành phố vừa được mở rộng.

(Trích phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XV Đảng bộ TP Hà Nội, ngày 26-10-2010)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô vững bước trên con đường phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.