Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ đô phải duy trì vị thế dẫn đầu về thể thao

Mai Hoa| 03/11/2013 06:03

(HNM) - Thể thao Hà Nội đang dẫn đầu cả nước, nhưng từ nay đến năm 2020, và xa hơn là 2030, chúng ta phải làm gì để duy trì được vị thế này? Hướng tới ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, Thể thao Thủ đô đặt mục tiêu giành bao nhiêu huy chương, góp sức chủ lực giúp đoàn TTVN thi đấu thành công?...



Rất nhiều câu hỏi được đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố đưa ra trong cuộc làm việc mới đây về việc xây dựng Quy hoạch phát triển thể dục thể thao (TDTT) TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Nguyễn Đình Lân về những vấn đề này.

Đương đầu với thách thức

- Thưa ông, giành được vị thế dẫn đầu đã khó, nhưng giữ được vị thế ấy lâu dài và bền vững càng khó hơn. Vậy theo ông, ngành TDTT Hà Nội sẽ phải đương đầu với những thách thức gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ?

- Nói đến vị thế dẫn đầu, là phải tính cả hai mảng thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Về thể thao quần chúng, chúng ta phải thấy rằng nhu cầu của xã hội, người dân về luyện tập TDTT và thưởng thức những giá trị văn hóa thể thao, nhất là về chất lượng, giá trị nhân văn, thẩm mỹ ngày càng cao và đa dạng hơn. Sự giám sát và đánh giá của xã hội đối với các hoạt động thi đấu thể thao ngày càng khắt khe hơn. Trong khi đó, việc bố trí đất đai cho hoạt động TDTT đạt chuẩn theo định mức chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhất là trong khu vực các quận và huyện ven đô đang đô thị hóa nhanh. Hạn chế và những khó khăn về quy hoạch và sử dụng đất quy hoạch cho TDTT dẫn đến tình trạng lệch pha: địa bàn có vốn đầu tư thì không có đất, địa bàn có đất thì thiếu vốn. Chính vì vậy, việc triển khai xây dựng các công trình TDTT thường bị chậm, dẫn đến tình trạng đất đã được quy hoạch cho TDTT không được sử dụng kịp thời, dễ bị lấn chiếm và sử dụng vào mục đích khác…

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Nguyễn Đình Lân. Ảnh: Minh Hoàng


- Với thể thao quần chúng là vậy, còn với thể thao thành tích cao thì sao, thưa ông?

- Nhiệm vụ dẫn đầu về thể thao đỉnh cao phải thể hiện qua các chỉ số rất rõ ràng về thành tích. Với vị thế Thủ đô, chúng ta cần giữ vững vị trí hàng đầu ở trong nước và đóng góp thật nhiều huy chương giúp đoàn TTVN nâng cao vị thế, vị trí xếp hạng trên các đấu trường quốc tế, trước hết là tại các SEA Games 2015, 2017, 2019, và nhất là ASIAD 17 - Incheon - 2014 (Hàn Quốc), ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, Olympic 2016 tại Rio De Janero (Brazil) và Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản). Đây thực sự là nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh huy chương ngày càng quyết liệt, trình độ và thành tích thể thao các nước không ngừng được nâng lên.

- Trong đó, không thể không nói đến những thách thức cho mục tiêu đăng cai thành công ASIAD 18 - Hà Nội - 2019?

- Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD 18 - Hà Nội 2019) sẽ được tổ chức tại Việt Nam, trong đó Hà Nội là địa điểm chính, nơi diễn ra lễ khai mạc, lễ bế mạc và nhiều cuộc thi đấu lớn, quan trọng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng triển khai và kịp thời hoàn thành có chất lượng việc nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa và xây dựng mới các công trình phục vụ ASIAD 18 - Hà Nội - 2019 đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, phục vụ luyện tập và tổ chức thi đấu. Trong khi đó, khả năng huy động vốn đầu tư của chúng ta còn hạn chế, do chính sách thắt chặt đầu tư công và tốc độ tăng trưởng kinh tế không như mục tiêu đề ra. Đó thực sự là một vấn đề rất khó khăn.

- Dù với tiềm lực, vị thế Thủ đô, nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan khi đương đầu thách thức?

- Làm việc gì cũng có những khó khăn riêng, nhưng thể thao Hà Nội tự tin nhận trọng trách duy trì vị thế dẫn đầu, bởi chúng ta có rất nhiều lợi thế. Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô là cơ sở pháp lý cao nhất tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó có ngành TDTT. Thành ủy, UBND TP Hà Nội luôn sâu sát, quan tâm đến lĩnh vực này với quan điểm nhất quán, coi phát triển TDTT là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nhằm bồi dưỡng và phát huy yếu tố con người; tăng cường thể lực, nâng cao tầm vóc và giáo dục nhân cách, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần và lành mạnh hóa lối sống người dân Hà Nội. Hà Nội cần xây dựng nền TDTT toàn diện, đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại và hòa nhập quốc tế, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phải tập trung cho những khâu đột phá!

- Khi bàn về việc xây dựng Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của TP Hà Nội, đại diện lãnh đạo Tổng cục TDTT có nêu yêu cầu “quy hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và đặc biệt đề cao tính đột phá”. Vậy sự đột phá ấy sẽ được biểu hiện như thế nào?

- Việc xây dựng quy hoạch phát triển TDTT sẽ là tiền đề để phát triển toàn diện thể thao Hà Nội theo định hướng tiên tiến, bền vững, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp nhu cầu của nhân dân Thủ đô và cả nước. Nếu quy hoạch được xây dựng có tầm chiến lược, TDTT Thủ đô sẽ có cơ hội phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình.

Tính đột phá trong việc hoạch định chiến lược được biểu hiện trước tiên qua sự đầu tư trọng điểm và bằng chính những chỉ tiêu hết sức cụ thể, khẳng định thể thao Thủ đô sẵn sàng gánh trọng trách duy trì vị thế dẫn đầu. Về TDTT quần chúng, Hà Nội chủ trương giữ vững vị trí nhất toàn đoàn tại các Đại hội TDTT toàn quốc các năm 2014, 2018 và các năm tiếp theo, dẫn đầu toàn đoàn tại các Hội khỏe Phù Đổng; phấn đấu tiếp tục nâng cao tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, năm 2015 vào khoảng 30%, năm 2020 là 33-35%, năm 2030 là 38-40%. Về thể thao thành tích cao, Hà Nội đặt mục tiêu đóng góp 30-35% về số VĐV và có huy chương cho đoàn TTVN tại Olympic 2016 và Olympic 2000; đóng góp 30% về số VĐV và huy chương cho đoàn TTVN tại ASIAD 17 - Inchecon - 2014 và ASIAD 18 - Hà Nội - 2019…

- Ông có thể cho biết những con số cụ thể?

- Tại Olympic 2016, Hà Nội phấn đấu có 10-12 VĐV vượt qua vòng loại và phấn đấu có huy chương. Tương tự, con số này ở Olympic 2020 là 13-15 VĐV, phấn đấu có huy chương. Tại ASIAD 2014, Hà Nội đặt mục tiêu góp sức giúp đoàn TTVN đạt vị trí từ 15 đến 13 trong tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ dự Đại hội. Đặc biệt, tại ASIAD 18 - Hà Nội -2019, Hà Nội phấn đấu có số VĐV tham gia đoàn TTVN vào khoảng 35-36%, góp sức cùng TTVN xếp hạng từ thứ 10 đến 6 của Đại hội. Trong đó, VĐV Hà Nội phấn đấu có tối thiểu 5 HCV.

- Quả là một con số ấn tượng, bởi theo Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, trong đề án chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, chỉ tiêu đặt ra cho cả đoàn TTVN chỉ là 15 HCV?

- Mục tiêu của VĐV Hà Nội là tối thiểu giành 5 HCV, nhưng mọi sự không dừng ở con số 5 đâu. Bởi để chuẩn bị cho cái đích đó, Hà Nội sẽ đầu tư cho hạt nhân của khá nhiều môn đấu, và nếu các bộ môn, VĐV đều hoàn thành nhiệm vụ, số HCV mà các VĐV Hà Nội giành được thậm chí có thể vượt qua con số 10!

- Vậy đâu sẽ là những môn được đầu tư trọng điểm, thưa ông?

- Trong bảng dự kiến mục tiêu phấn đấu đạt huy chương tại ASIAD 2019, thể thao Hà Nội tập trung đầu tư cho 21 môn, bao gồm điền kinh, bơi - nhảy cầu, karatedo, wushu,

vật, taekwondo, bắn súng, cờ vua, thể dục dụng cụ, xe đạp, canoeing, rowing, judo, cử tạ, cầu mây, đá cầu, boxing, sport aerobic, đấu kiếm, bi sắt, kurash. Lực lượng dành cho mục tiêu vượt qua vòng loại Olympic 2016 và 2020 sẽ tập trung vào 15 môn là điền kinh, bơi - nhảy cầu, canoeing, taekwondo, vật, boxing, bắn súng, bắn cung, bóng bàn, thể dục dụng cụ, rowing, judo, cử tạ, cầu lông và kiếm quốc tế.

- Ông có ngại chỉ tiêu đặt ra cao quá sẽ khó thực hiện không?

- Nếu có sự đầu tư đúng tầm, với đà phát triển lực lượng hiện tại, tôi tin đây là những chỉ tiêu có tính khả thi. Muốn có sự đột phá thành công, phải đầu tư một cách bài bản, khoa học. Cao hay thấp, thành công hay thất bại, “ăn nhau” là ở người làm!

Có bột mới gột nên hồ

- Ông vừa nói đến tính khả thi cho các mục tiêu lớn, mang tầm chiến lược của thể thao Hà Nội. Theo ông, đâu là cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thành các mục tiêu ấy?

- Cơ sở đầu tiên, đó chính là nền tảng, là đà phát triển mà thể thao Hà Nội đã và đang có. Hà Nội đã giữ vị thế dẫn đầu thể thao cả nước từ hàng chục năm nay. Hà Nội có những bộ môn đạt đẳng cấp thế giới (các môn taekwondo, wushu, cầu mây, cờ tướng, judo, karate, Vovinam, vật, cử tạ, thể dục dụng cụ, kich boxing, bóng gỗ, bi sắt) và đẳng cấp Châu Á (23 môn thể thao). Đặc biệt, tại ASIAD 16 - Quảng Châu - 2010, các VĐV Hà Nội đã giành được 15 huy chương, trong đó có 8 HCB và 7 HCĐ ở 7 môn. Trước đó, tại ASIAN Indoor Games 3 - Hà Nội - 2009, các VĐV Hà Nội đã đạt được 41 huy chương các loại ở 15 môn thể thao, trong đó có 16 HCV, 12 HCB, 13 HCĐ.

Đội ngũ VĐV thể thao thành tích cao của Hà Nội tăng cả về số lượng và chất lượng qua các năm. Năm 2010, toàn thành phố có 3.245 VĐV thuộc 37 môn, trong đó tuyến 1 có 1.016 VĐV, tuyến 2 có 1.089 VĐV, tuyến 3 có 1.140 VĐV. Tổng số VĐV cấp kiện tướng và cấp 1 là 769 VĐV. Sang đến năm 2012, toàn thành phố có 3.611 VĐV thuộc 44 môn, trong đó tuyến 1 có 1.050 VĐV, tuyến 2 có 1.193 VĐV, tuyến 3 có 1.368 VĐV. Tổng số VĐV đạt cấp kiện tướng và cấp 1 là 785 VĐV!

- Còn một cơ sở nữa rất đáng quan tâm, đó là chuyện đầu tư kinh phí…

- Đó thực sự là một lợi thế của thể thao Hà Nội, vốn luôn được thành phố quan tâm đầu tư rất mạnh. Chi ngân sách thành phố cho sự nghiệp TDTT tăng nhanh trong những năm qua. Bên cạnh đó, hoạt động tập huấn ở nước ngoài của VĐV luôn được coi trọng và tổ chức thường xuyên. Trong 5 năm (2008-2012), thành phố đã cử 3.210 lượt VĐV đi tập huấn ở nước ngoài theo 23-29 môn thể thao, trong đó có các môn trọng điểm như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thể dục dụng cụ, điền kinh, bơi, vật…

- Nhắm đến đích cụ thể là ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, theo ông, ngành TDTT Thủ đô cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ gì, bên cạnh việc xây dựng lực lượng, đầu tư đào tạo chuyên sâu cho VĐV?

- Sẽ còn rất nhiều đầu việc phải làm. Nhưng nhiệm vụ đáng lưu ý nhất bên cạnh việc xây dựng lực lượng, đó là TP Hà Nội cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Khu liên hợp thể thao Cổ Loa - ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, có diện tích quy hoạch khoảng 200ha tại các xã Xuân Canh, Xuân Trạch huyện Đông Anh. Đây sẽ là trung tâm thể thao lớn, nơi tổ chức các hoạt động thể thao cấp châu lục và thế giới, nơi huấn luyện và tranh tài của nhiều môn thi đấu TDTT và là cơ sở dịch vụ cho phong trào TDTT của người dân Hà Nội. Cùng với đó, một công trình quan trọng không kém là Làng ASIAD 18 - Hà Nội tại Thượng Thanh, Long Biên, có diện tích quy hoạch khoảng 50ha với sức chứa 10.000 - 11.000 người. Chúng ta cần triển khai xây dựng sớm để kịp thời phục vụ ASIAD 18 - Hà Nội -2019, trong đó cần quy hoạch xây dựng đồng bộ gồm các khu nhà ở, vui chơi giải trí, luyện tập thể thao, các công trình phục vụ công cộng và công viên cây xanh. Khu này sẽ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa để sau khi kết thúc ASIAD sẽ chuyển sang kinh doanh.

- Để sớm hoàn thành những đầu việc này, việc huy động nguồn vốn hợp lý có khó khăn không, thưa ông?

- Chúng tôi đang từng bước xây dựng giải pháp huy động các nguồn vốn. Ví như ngân sách của TP Hà Nội bảo đảm thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, dụng cụ thi đấu và luyện tập của các cơ sở TDTT do thành phố quản lý. Các công trình phục vụ ASIAD 18 - Hà Nội 2019 sẽ được trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn vốn của xã hội, như Làng ASIAD đã có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nếu thành phố có cơ chế ưu đãi…

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô phải duy trì vị thế dẫn đầu về thể thao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.