Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ đô phải có cơ chế đặc thù

Vũ Duy Thông| 21/02/2011 07:12

(HNM) - Gần 40 năm trước, người ta đã thấy trên đường phố Hà Nội khẩu hiệu ngắn gọn nhưng có sức thuyết phục


Lối sống thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, lâu dần thành bệnh xem thường pháp luật tràn lan ở nhiều khía cạnh của cuộc sống, trong đó có trật tự và môi trường đô thị. Hậu quả của việc người dân không tôn trọng pháp luật đó là cách đây ít ngày, người ta công bố một bảng xếp hạng thành phố Xanh do Tập đoàn đa quốc gia Siemens tiến hành với sự tư vấn của một nhóm nghiên cứu thuộc tạp chí uy tín The Economic. Trong bảng này, Hà Nội bị xếp gần chót trong số 22 thành phố lớn của châu Á.

Hà Nội là thành phố văn hóa, thành phố văn hiến. Chúng ta vừa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với rất nhiều tự hào và phấn khởi. Vừa đón nhận gần như cùng một lúc bằng chứng nhận Di sản văn hóa thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Di sản văn hóa phi vật thể Hội Gióng, Bằng chứng nhận Di sản tư liệu thế giới 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Một thành phố, trong một thời gian ngắn có vinh dự như vậy không phải nhiều, chưa kể di sản văn hóa phi vật thể ca trù, một loại hình nghệ thuật gắn bó lâu đời với Hà Nội, rồi không gian âm nhạc quan họ, một thú chơi nghệ thuật vùng kinh đô cũ cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Di sản là vậy và có thể sẽ nhiều hơn. Còn hiện tại, Hà Nội đã được công nhận là thành phố hòa bình, một danh hiệu rất đáng tự hào. Không chỉ là thành phố văn hóa, thành phố văn hiến, Hà Nội còn là thủ đô của một đất nước đang phát triển. Về tiền của, chúng ta đã đổ nhiều nghìn tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng. Đường giao thông được mở. Nhiều khách sạn, nhà cao tầng, một số công trình văn hóa, thể thao đã hoặc đang mọc lên. Các nhà máy xử lý rác, nhà máy xử lý nước thải được xây dựng; nghĩa trang mới lùi ra xa thành phố, một số trường đại học, nhà máy, xí nghiệp cũng lần lượt di dời.

Tiền của, công sức và những nỗ lực của lãnh đạo các cấp và người dân Thủ đô đang bị lu mờ trước thực trạng nơi này, nơi kia của thành phố nhếch nhác, lộn xộn về nhiều mặt. Những nhếch nhác, lộn xộn đó có nghiêm trọng không? Nhìn từng vụ việc thì không lớn, không nghiêm trọng nhưng nhìn tổng thể thì đó là một bức tranh rất đáng buồn, rất đáng báo động. Thử xét một khía cạnh môi trường, giao thông ách tắc. Tình trạng lấn chiếm đất đai tràn lan. Môi trường ô nhiễm. Rác xả bừa bãi. Không khí bụi bặm… Sau một đêm vui, một ngày lễ hội, cây cối, vườn hoa trên đường phố xơ xác. Người ta còn bị ám ảnh rất lâu về chuyện hàng trăm người xô lấn nhau để bẻ hoa anh đào mang từ Nhật Bản sang; chuyện bẫy chim bồ câu ở vườn Bách Thảo. Người ta cũng khó quên rác trong Công viên Thống Nhất và ngay cả Công viên Hòa Bình mới xây dựng; thả rùa tai đỏ ở Hồ Gươm, hay tình trạng bao ni lông cứ mỗi trận mưa lớn lại nổi lềnh bềnh trên mặt các hồ nước…

Nguyên nhân của những tình trạng đó có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân không thể không tính đến là công tác quản lý, lâu nay chỉ nặng về giáo dục, thuyết phục mà không được áp dụng các biện pháp bắt buộc, cưỡng chế đủ mạnh. Chủ trương, chính sách không thiếu, nhưng các chế tài pháp luật không đủ sức răn đe, thực thi không nghiêm túc, còn xuê xoa, nương nhẹ. Người ta có thể tìm được vô số dẫn chứng trong quản lý giao thông đô thị, vệ sinh đường phố, rác thải y tế, rửa ô tô, xe máy, kéo dây thông tin, dây điện dọc đường, cấp thoát nước, quản lý các chợ và tụ điểm buôn bán, cấm hàng rong… để chứng minh. Việc phạt nặng các lỗi vi phạm luật giao thông tháng qua là một minh chứng. Vẫn con người đó nhưng từ khi các án phạt nặng lỗi giao thông có hiệu lực, họ trở nên có kỷ luật hơn hẳn trước và ít nhiều tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược đường, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đua xe cũng ít hơn. Nên chăng cũng phải áp dụng các chế tài đặc biệt đối với vi phạm môi trường sống, lối sống đô thị để Hà Nội trở thành trái tim của một quốc gia công nghiệp trong những năm tới. Vấn đề là những đại biểu Quốc hội khi xem xét thông qua Luật Thủ đô phải nhìn thấy tính đặc thù của Thủ đô, phải vì Thủ đô là trái tim cả nước mà xây dựng những cơ chế đặc thù trong quản lý của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô phải có cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.