Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thú chơi lắm công phu

Chí Kiên| 18/02/2018 09:06

(HNM) - Khi đời sống vật chất, tinh thần ngày một tăng cao, nhiều người dân có nhu cầu nuôi thú cưng làm “tri kỷ”. Trong đó, chó là loài vật được nhiều người ưa chuộng...

1. Suốt hàng trăm năm nay, loài chó đã cùng tham gia cuộc sống, gần gũi với con người. Những người yêu thích chó xem loài vật này như "tri kỷ".

Chị Trần Ngọc Thu Hằng (nhà ở đường Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) là một người yêu động vật và có nuôi chú chó Nhật xù được đặt một cái tên rất đáng yêu là Nở, chia sẻ: “Chó là loài vật thông minh, trung thành và thương yêu chủ gần như vô điều kiện”. Điều thú vị là chị Hằng coi chú cún cưng của mình như một thành viên trong gia đình, vì ngoài việc giữ nhà, bảo vệ chủ… “con Nở” luôn biết làm trò vui, mang đến tiếng cười sảng khoái cho cả nhà. Cứ mỗi tối, gia đình chị Hằng ngồi xem tivi là chú cún dễ thương cũng ngồi “thưởng thức” cùng.


Theo chị Hằng, để nuôi được chú cún đáng yêu như vậy, việc chăm sóc rất công phu, ngoài việc hằng ngày phải lo đồ ăn có đầy đủ dưỡng chất như trứng vịt lộn, thịt gà, thịt bò, sữa, thậm chí cả rong biển và cho uống thuốc bổ, còn phải dẫn cún cưng đi dạo và lo khâu vệ sinh. “Chó là loài vật thông minh nên mọi thứ được chúng thực hiện thuần thục, ít gây phiền toái cho con người nếu được huấn luyện tốt. Chỉ buồn nhất là lúc chú cún đổ bệnh. Khi đó mọi thành viên trong gia đình như quên tất cả công việc để lo chuyện đưa “Nở” đi khám bệnh. Chừng nào chó khỏe lại cả gia đình mới cảm thấy vui...” - chị Hằng bộc bạch.

Gắn bó với thú chơi chó cưng từ nhỏ, anh Đỗ Văn Thành (nhà ở đường Ỷ La, phường Dương Nội, quận Hà Đông), là một người am hiểu tường tận về những phẩm chất, “đức tính” từng giống chó cảnh. Anh Thành chia sẻ: “Chủ nhân chính là tình yêu lớn nhất của mỗi con chó, còn hơn cả với những con chó khác. Để biết bạn cứ thử dắt chó cưng của mình đi dạo, sau đó lại xoa đầu hay chơi với 1 con chó khác, con chó của bạn sẽ "ghen" đấy…”.

Anh Đỗ Văn Thành là người rất sành sỏi về giá các loại chó nuôi tại gia đình đang bán trên thị trường. Theo anh Thành, chó cảnh có nhiều loại, từ vài triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng như chó Bắc Hà xù, chó H’Mông cộc đuôi, chó Phú Quốc hoặc các giống chó ngoại nhập như chó Nhật xù, chó đốm, chó Sư Tử Đức… Hiện anh Thành nuôi một chú chó béc giê Đức được 3 năm tuổi. “Đây là dòng chó rất mạnh mẽ và trung thành, được nuôi khá nhiều ở Việt Nam, với mục đích canh giữ nhà và bảo vệ gia đình. Ai đã từng nuôi chó sẽ biết được sự vui mừng của nó đến thế nào khi bạn trở về sau vài hôm vắng nhà. Đó là một điều hạnh phúc” - anh Thành tâm đắc.



2. Tiến sĩ Sử Thanh Long, người sáng lập Phòng khám và chăm sóc thú cưng - GAIA (đường An Dương, quận Tây Hồ) là một người rất tâm huyết với nghề nuôi thú cưng tại Hà Nội. Là giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thú y, đặc biệt là chăm sóc chó mèo. Theo Tiến sĩ Sử Thanh Long, việc xây dựng GAIA không chỉ cung cấp một chuỗi dịch vụ chuyên nghiệp, mà còn từng bước tạo ra xu hướng mới cho những người quan tâm và sở hữu thú cưng, nhất là loài chó.
Với tình yêu dành cho động vật, trong thời gian là nghiên cứu sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Yamaguchi (Nhật Bản), Tiến sĩ Sử Thanh Long đã nghiên cứu sâu về dịch vụ chăm sóc thú cưng, đồng thời tham quan nhiều bệnh viện thú y và tiếp xúc với các bác sĩ chuyên ngành. Đây chính là cơ sở quan trọng trong quá trình hình thành và tổ chức hoạt động của GAIA ở Việt Nam.

Chia sẻ về nuôi chó cưng trong gia đình, Tiến sĩ Sử Thanh Long đánh giá đây là một việc làm lắm công phu và đòi hỏi người nuôi phải có tình yêu vô bờ với động vật. Chăm sóc chó có một số lưu ý về tẩy giun sán theo định kỳ, tiêm phòng bệnh và thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu sinh lý... Việc huấn luyện chó cũng là một việc làm đòi hỏi sự “khổ luyện” của cả người nuôi và vật nuôi. Quan trọng nhất là huấn luyện các động tác cơ bản cho chó, gồm đi theo, ngồi, nằm, sủa và gọi chó lại, qua đó làm cơ sở tăng thêm mối quan hệ thân thiết giữa chủ và vật nuôi, đồng thời làm cho con chó có tính phục tùng cao.

Theo Tiến sĩ Sử Thanh Long, việc huấn luyện ban đầu cần có “xích kỷ luật" đeo vào cổ để chó học thuộc bài nhanh hơn. Thông thường, chó từ 6 tháng tuổi là có thể bắt đầu cho tập các động tác cơ bản. Ngoài ra, một việc quan trọng với người nuôi chó là huấn luyện cho chó đi vệ sinh đúng giờ và đúng nơi quy định. Muốn làm tốt việc này, người nuôi cần để ý xem chó nhà mình tính cách thuộc loại nào để chọn lựa một thời gian biểu phù hợp.

Một kinh nghiệm “xương máu” Tiến sĩ Sử Thanh Long muốn chia sẻ với người nuôi chó là khen thưởng là cách tốt nhất và không thể thiếu trong việc dạy cún cưng. Bất cứ khi nào chó cưng làm đúng việc gì, hãy khen thưởng nhiệt tình bằng cả cử chỉ và lời nói. Khen thưởng bằng cử chỉ, hành động là vuốt ve, xoa người, xoa đầu...; khen thưởng bằng lời nói là dùng những từ như “ngoan”, “tốt” nhưng âm điệu nhẹ nhàng, dễ nghe và đặc biệt là phải làm chó cưng của mình có hứng thú.


3. Ở góc độ quản lý về thú y, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội đưa ra nhiều thông tin hữu ích với người nuôi chó tại gia đình. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, bên cạnh việc chăm sóc, huấn luyện chó để bảo đảm vật nuôi khỏe mạnh, phục tùng chủ nhân, người nuôi cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về lĩnh vực thú y. Trong đó, người nuôi đặc biệt chú ý quản lý chó, khi quyết định nuôi chó cần khai báo với chính quyền địa phương, không nuôi thả rông. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải có xích, đeo rọ mõm và có người dắt để bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường; đồng thời tiêm phòng vắc xin dại cho chó đầy đủ, đúng quy định…

Nuôi chó cảnh - chó cưng, đang là một xu hướng. Vấn đề ở chỗ là người nuôi phải cân nhắc về điều kiện tài chính, kiến thức và tình yêu với động vật trước khi quyết định đến với một thú chơi lắm công phu và cũng không ít tốn kém này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú chơi lắm công phu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.