(HNM) - Những năm gần đây, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường không nhỏ, thậm chí tăng dần theo từng năm. Song, câu hỏi nhiều người đặt ra là nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường được chi thế nào cho môi trường, có hiệu quả không?
Cần công khai mức thu - chi
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu (người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một), thu vào những sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Những nhóm hàng đang là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm: Xăng dầu, mỡ nhờn; than đá; túi ni lông; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng…
Từ khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường (năm 2012), tổng số thu từ sắc thuế này liên tục tăng (tăng gấp 6 lần, từ hơn 11.000 tỷ đồng năm 2012, lên gần 69.000 tỷ đồng dự thu trong năm 2019), trong đó xăng, dầu đóng góp hơn 90%. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2013-2018 là 72.422 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương năm 2019 là 2.290 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9 đã phân bổ 1.151,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách nhà nước, các khoản thu từ thuế, phí… được thu vào ngân sách và sẽ chi theo dự toán. Như vậy, phần thu từ thuế bảo vệ môi trường sẽ nộp vào ngân sách, từ đó Quốc hội sẽ cân đối và duyệt chi. Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách nhà nước là sử dụng 15% ngân sách trung ương và 85% ngân sách địa phương.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế (Khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính): “Thuế bảo vệ môi trường mới tính toán thu vào một số mặt hàng mang tính hủy hoại môi trường, hoặc có ảnh hưởng tới môi trường. Trong thực tế, còn nhiều vấn đề liên quan tới môi trường mà chúng ta chưa tính đến, cũng không sử dụng đến thuế môi trường, hay chi phí để bảo vệ môi trường”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, thuế môi trường mới chỉ áp dụng vào một số sản phẩm có tác hại trực tiếp và khá rõ ràng với môi trường như xăng, dầu, túi ni lông… Nhưng một số hành động xả thải ra môi trường bằng nước thải, hay chất thải thực tế vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Về con số chi bảo vệ môi trường, ở các nước phát triển có sự tách biệt và phân tích tương đối rõ ràng để người dân hiểu việc thu - chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường, cũng như hoạt động liên quan.
Với Việt Nam, việc tách bạch các khoản chi chưa có quy chuẩn, nên nhiều người nghĩ chi bảo vệ môi trường là chi khắc phục hậu quả, xây dựng nhà máy chế biến rác thải - nghĩ như vậy là chưa đầy đủ. Chi bảo vệ môi trường có thể hiểu rộng hơn là làm thế nào để môi trường tốt hơn như làm đường cao tốc, phát triển phương tiện công cộng…
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Công ty TNHH Nissin Logistics: "Việc thu thuế bảo vệ môi trường với nhiều nhóm hàng là hợp lý và doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ việc thu thuế. Tuy nhiên, cần minh bạch hơn các khoản thu - chi đối với bảo vệ môi trường và quan trọng hơn là dành nhiều nguồn chi hơn cho môi trường".
Về phía người dân, trước những vụ việc liên quan đến môi trường thời gian gần đây, ông Nguyễn Quang Hòa (Tòa nhà Việt Đức Complex, 39 Lê Văn Lương, Hà Nội) nêu quan điểm: "Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên công khai số thu - chi đối với thuế bảo vệ môi trường để người dân hiểu rõ hơn. Chi thuế bảo vệ môi trường không có nghĩa là chỉ dùng để khắc phục những sự cố gây nguy hại đến môi trường, mà cần chú trọng đến hạ tầng. Chẳng hạn, để góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm lượng xăng, dầu tiêu hao, chỉ áp dụng thuế với xăng, dầu là chưa đủ, mà cần có nhiều phương tiện công cộng hơn, giảm bớt phương tiện cá nhân".
Nên điều chỉnh cho phù hợp
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, thời gian tới, để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng, các chính sách thu cần theo hướng bền vững hơn. Cụ thể, cần rà soát thuế suất của các loại tài nguyên để điều chỉnh cho phù hợp; nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất của những loại tài nguyên không tái tạo. Tiến sĩ Lê Xuân Trường nhận định, tỷ lệ thu thuế môi trường ở nước ta đánh trên các mặt hàng hiện vẫn thấp. Ngay trong xăng, dầu, chi phí tương đối ít so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Còn ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, thực tế tại Việt Nam những năm qua cho thấy, tăng trưởng kinh tế cao kèm theo đó là mức độ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Bởi vậy, thu thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính để bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường, thông qua chương trình chi tiêu của Chính phủ. Thuế bảo vệ môi trường là một trong những sắc thuế liên quan đến việc bảo đảm cân đối và cơ cấu lại ngân sách. Bên cạnh đó, yêu cầu của việc bảo vệ môi trường, khí thải do xăng, dầu gây ra không phải là vấn đề nhỏ. Trong phạm vi của luật, việc tăng thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng, dầu là được phép. Việc này liên quan đến chủ sử dụng các phương tiện, những người trực tiếp gây ảnh hưởng tới môi trường.
Ông Nguyễn Văn Phụng cũng thông tin thêm, có năm thu từ thuế bảo vệ môi trường ít, nhưng chi nhiều, có năm chi nhiều nhưng không thu được thuế. Ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh: “Nếu nói rằng trong 1 năm số thuế thu về phải bảo đảm chi cho năm đó, chưa hẳn đúng, mà phải xem xét theo chức năng, nhiệm vụ, cũng như tính dài hạn của việc sản xuất, xã hội và môi trường”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.