(HNM) - Những năm trước đây, cứ hết nửa tháng 12 là cơ quan BHXH Việt Nam thông báo hoàn thành kế hoạch năm. Năm 2009, thời điểm hoàn thành kế hoạch được tính vào đúng ngày 31-12 với mức 100,3%. Có thể nói, năm 2009 là một năm đầy khó khăn trong công tác thu của ngành BHXH.
Mặc dù đã chủ động lường trước được một số khó khăn, nhưng việc thực hiện kế hoạch thu của BHXH Việt Nam năm qua vẫn hết sức vất vả. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là do năm 2009, suy thoái kinh tế đã khiến các doanh nghiệp đều gặp khó. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng sản xuất, nhiều lao động bị mất việc, thiếu việc làm nghiêm trọng... Trong thời điểm khó khăn ấy, chia khó với doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép giãn nộp 1% bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động...
Các doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội tại cơ quan BHXH. |
Khó khăn chồng chất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp miền Trung khi liên tiếp phải hứng chịu 2 cơn bão. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động (NLĐ), Chính phủ cũng cho phép hàng loạt doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung dừng đóng BHXH 6 tháng cuối năm. Tất cả những yếu tố này đã ảnh hưởng đến tiến độ thu BHXH chung của cả nước.
Ông Vũ Anh, Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, đối với doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế thì khó thu đã đành. Nhưng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng không dễ thu do cơ chế chính sách còn chưa được vận hành trơn tru. Cụ thể như việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố cho biết, hiện các đơn vị hành chính sự nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên vẫn chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2009 cho NLĐ của đơn vị thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên nhân do cơ quan tài chính, kho bạc địa phương chưa nắm rõ Thông tư 96/2009/TT-BTC ngày 20-5-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nên chưa bố trí khoản 1% quỹ tiền lương để đơn vị đóng bảo hiểm thất nghiệp. Một số tỉnh đã bố trí được khoản kinh phí này thì kho bạc nhà nước địa phương lại không chuyển cho đơn vị. Để bảo đảm quyền lợi của NLĐ cũng như tháo gỡ những khó khăn do chính sách, ngày 21-12-2009, cơ quan BHXH Việt Nam đã phải có văn bản số 4865/BHXH-BT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan tài chính, kho bạc địa phương bố trí và giải ngân khoản kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2009 kịp thời cho đơn vị đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Ông Vũ Anh cũng cho biết thêm, đối với việc triển khai thực hiện Luật BHYT trong 6 tháng cuối năm, các văn bản hướng dẫn cũng bị chậm, khiến việc chuyển giao kinh phí đóng BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi và đối tượng người nghèo của các cơ quan quản lý về cơ quan BHXH rất chậm. Thậm chí đến nay, vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn thiện được danh sách trẻ em dưới 6 tuổi được hỗ trợ kinh phí đóng BHYT, do đó chưa có được kinh phí bảo hiểm của đối tượng này. Với đối tượng người nghèo, mặc dù đã được ngân sách trung ương giải ngân đủ cho ngân sách địa phương, nhưng nhiều địa phương vẫn chậm từ khâu xét duyệt đối tượng đến lập danh sách, chuyển kinh phí về cho cơ quan BHXH tỉnh.
Đánh giá lại công tác thu, ông Vũ Anh cho rằng, chưa năm nào, công tác chỉ đạo điều hành nhiệm vụ thu BHXH lại quyết liệt như năm 2009. Ngay từ những ngày đầu năm, BHXH Việt Nam đã sớm đánh giá công tác thu năm 2008, nhìn rõ những tồn tại cần khắc phục và nhận định những khó khăn của năm 2009. Tại hội nghị tổ chức ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, lãnh đạo BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã mất nhiều thời gian bàn bạc, cùng đưa ra những biện pháp, những giải pháp tích cực, cùng vượt khó, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chung. Với quyết tâm đó, tùy từng thời điểm, BHXH Việt Nam cũng đã linh hoạt trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, mở rộng nguồn thu, giảm nợ đọng BHXH... Thậm chí, đầu tháng 10-2009, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có chỉ thị gửi giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố yêu cầu tập trung, đôn đốc hoàn thành chỉ tiêu thu và giảm nợ BHXH, cương quyết khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH lớn, nợ thời gian kéo dài ra tòa, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Với những biện pháp quyết liệt này, công tác thu BHXH của cơ quan BHXH Việt Nam đã hoàn thành một cách khó khăn vào thời điểm cuối cùng của năm với mức thu 50 nghìn tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch.
Để tiến tới BHXH cho mọi NLĐ và BHYT toàn dân, chắc chắn, năm 2010 vẫn là một năm đầy khó khăn trong công tác thu của BHXH Việt Nam khi kế hoạch thu sẽ phải tăng từ 40 đến 50% so với năm 2009. Vì vậy, nếu BHXH các địa phương không chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, cố gắng ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm thì sẽ rất khó hoàn thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.