Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT: Bệnh viện lo giữ… bệnh nhân

Thu Trang| 03/01/2016 06:25

(HNM) - Từ năm 2016, người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có quyền đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, không bị giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng theo quy định.


Bệnh viện lo giữ… bệnh nhân

Lâu nay, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh BHYT tại BV tuyến huyện đều phải xin giấy chuyển viện với thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh thì đều được coi là đúng tuyến. Quy định này tạo cơ hội cho người có thẻ BHYT, nhưng cũng tạo ra thách thức đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Bởi trên thực tế, không phải BV nào cũng được đầu tư đúng mức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để có được chất lượng khám chữa bệnh mà người dân trên địa bàn đó mong muốn.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.


Đánh giá về việc mở thông tuyến BHYT, Ths.BS Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, Giám đốc BV Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết, trước đây, bệnh nhân có BHYT muốn sang huyện bên khám cũng khó vì sẽ không được BHYT chi trả. Tuy nhiên, từ thời điểm áp dụng thông tuyến kỹ thuật, người bệnh hoàn toàn có quyền lựa chọn. Nếu thấy BV "huyện nhà" chưa tốt, bệnh nhân có quyền sang BV huyện khác trên cùng địa bàn tỉnh để khám chữa bệnh. Điều này không chỉ mang lại thuận lợi cho người bệnh mà sẽ tạo cuộc đua về chất lượng giữa các BV cùng hạng để thu hút bệnh nhân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho rằng, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố để thúc đẩy các BV, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ. Cuối cùng, bệnh nhân vẫn là người được hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của chính họ. Ngay trước khi quy định trên chính thức có hiệu lực, nhiều BV trên địa bàn thành phố đã được nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực, thay đổi phong cách phục vụ theo hướng làm người bệnh hài lòng.

Qua khảo sát của Sở Y tế Hà Nội trong năm 2015, chất lượng các BV trên địa bàn, nhất là các BV tuyến huyện, đã được nâng lên so với năm trước. Thậm chí, nhiều BV tuyến huyện như BV Đa khoa huyện Thạch Thất, Mỹ Đức, Phúc Thọ… đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm chi phí khám chữa bệnh.

Sẽ công bố chất lượng cơ sở khám chữa bệnh

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, tới đây, khi giá viện phí được áp dụng theo hướng tính đúng, tính đủ cùng với việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, nếu BV làm không tốt, lượng bệnh nhân giảm thì BV không có nguồn thu, không có chi phí để duy trì hoạt động. Sở Y tế và BHXH Hà Nội sẽ công bố chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, khi đó, có thể xuất hiện tình trạng có nơi làm không hết việc trong khi nơi khác không có bệnh nhân.

Ông Nguyễn Đức Hòa cũng cho rằng, việc thông tuyến kỹ thuật khiến những BV tuyến huyện gần BV lớn càng phải lo đầu tư cơ sở trang thiết bị, tăng cường đào tạo, triển khai kỹ thuật cao, thay đổi thái độ phục vụ, giảm phiền hà về thủ tục hành chính. Bệnh nhân sẽ là người đánh giá chuẩn nhất chất lượng BV trong quá trình chính họ đi khám bệnh. Đây là một cuộc đua lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Hiện nay, ngành Y tế và BHXH đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và bệnh nhân nắm rõ quyền lợi của mình khi thông tuyến BHYT. Tuy nhiên, có thể bước đầu triển khai việc thông tuyến sẽ gặp không ít khó khăn. Điều khiến phía BHXH lo ngại nhất là việc lạm dụng khám chữa bệnh, trùng lặp đối tượng hưởng BHYT.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, việc thông tuyến khám chữa bệnh sẽ dễ dẫn đến việc lạm dụng. Cụ thể, một người sẽ đến khám chữa bệnh ở nhiều nơi, vì vậy, BHXH Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các BV tăng cường kiểm soát, quản lý để hạn chế xảy ra tình trạng này. Mặt khác, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai phần mềm liên thông giữa các BV với nhau để xác định được người đi khám trong một ngày. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, khó khăn lớn nhất là phần mềm ở các cơ sở, phần mềm quản lý khám chữa bệnh thanh toán BHYT ở mỗi nơi triển khai một kiểu. Chính vì vậy, trước mắt, Hà Nội sẽ thực hiện triển khai phần mềm liên thông ở các BV tuyến huyện.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương, Thông tư 40/2015/TT-BYT (Thông tư 40) có hiệu lực từ 1-1-2016 (thay thế Thông tư số 37/2014), quy định rõ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu tuyến xã và tương đương, gồm: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá, trạm y tế, phòng y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập; trạm y tế quân - dân y, phòng khám quân - dân y, quân y đơn vị cấp tiểu đoàn và các cơ sở khám chữa bệnh khác (theo quy định của Bộ Quốc phòng).

Người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến BV huyện, bao gồm cả các BV huyện đã được xếp hạng nhất, hạng nhì và BV y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp BV huyện không có khoa y học cổ truyền). Người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh tại cơ sở trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì được lựa chọn cơ sở khác có tổ chức khám chữa bệnh BHYT ban đầu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT: Bệnh viện lo giữ… bệnh nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.