Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tư 20 “xanh” hay “chín”?

Đà Đông| 11/06/2011 06:36

Khi Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương (Thông tư 20) về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống chính thức có hiệu lực đang đến gần khiến các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu ô tô như ngồi trên đống lửa…


Bởi lẽ, theo Thông tư 20, từ ngày 26-6, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung một số loại giấy tờ như: giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của luật. Doanh nghiệp cũng phải nộp kèm theo giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Đánh giá một cách khách quan, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi văn bản này có hiệu lực. Không chỉ được sử dụng ô tô có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mà người tiêu dùng còn được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng linh kiện theo đúng quy chuẩn. Có thể nói, Thông tư 20 là biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đề cao trách nhiệm của người bán hàng và góp phần bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Những mặt tích cực của Thông tư 20 đã rõ. Tuy nhiên, chỉ có 45 ngày tính từ khi ban hành (ngày 12-5-2011) đến khi chính thức có hiệu lực, nên văn bản này hiện đang "làm khó" không ít doanh nghiệp thương mại nhập khẩu ô tô. Thời gian không có nhiều để các doanh nghiệp kịp hoàn thiện các giấy tờ liên quan theo quy định. Hơn nữa, việc thực hiện "giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp" vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo nên doanh nghiệp chẳng biết lấy đâu để làm chuẩn? Ngay với Bộ Tài chính, một trong những cơ quan quản lý hoạt động nhập khẩu ô tô cũng đang gặp vướng mắc phát sinh từ thông tư này vì văn bản chỉ nói tới "xe chưa qua sử dụng", còn với những xe không đáp ứng được yêu cầu xếp vào hạng mục xe cũ (ví dụ chạy dưới 1 vạn kilômét) được xem như xe mới theo quy định hiện nay lại không được đề cập…

Một trong những nguyên tắc chung nhất của văn bản khi ban hành phải nêu rõ được nhiệm vụ, đối tượng, thời gian và phương tiện thực hiện. Văn bản quản lý nhà nước phải bảo đảm tính hệ thống toàn diện. Khi soạn thảo, nhất thiết phải đặt văn bản trong bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; phải căn cứ vào mục tiêu trước mắt và lâu dài; có sự thích ứng giữa mục tiêu, nhiệm vụ với điều kiện, phương tiện thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần phải tính đến yếu tố tác động của môi trường vào quá trình thực hiện văn bản. Ngoài ra, để bảo đảm tính hệ thống, nhất quán, văn bản ra sau phải thống nhất, đồng bộ với văn bản ra trước. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên, văn bản khi ban hành khó có tính khả thi cao. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, thời gian qua có đến hơn 40% văn bản của Bộ này phải lùi thời gian trình vì chưa "đạt đến độ chín".

Được biết, hiện Bộ Công thương đang tiếp tục cập nhật thêm thông tin, kiến nghị xung quanh Thông tư 20 để xem xét, có cách giải quyết hợp lý nhất. Tính đúng đắn của Thông tư 20 đã rõ. Nên chăng Bộ Công thương cần có thêm thời gian bổ sung, điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc để khi chính thức có hiệu lực, văn bản có thể được áp dụng ngay trong thực tế. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng văn bản vừa ban hành đã phải chỉnh sửa, bổ sung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông tư 20 “xanh” hay “chín”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.