(HNMO) - Chiều 21-2, các sở, ngành và địa phương của thành phố Hồ Chí Minh đã có thông tin chính thức về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm trong mấy ngày gần đây. Đó là việc 2 ổ dịch Covid-19 mới xuất hiện tại quận Gò Vấp và quận 1. Cùng với đó là kết quả xử lý vấn đề mới phát sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng như tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Các ổ dịch đã được khống chế
Chiều 21-2, UBND quận Gò Vấp đã có thông tin về ổ dịch Covid-19 tại một tu viện trên địa bàn phường 5. Theo đó, tu viện này được cấp phép tổ chức lưu trú cho 140 em từ 12 tuổi trở lên, đang học từ lớp 6 đến lớp 12 tại 7 trường ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trong tu viện còn có 20 linh mục, tu sĩ.
“Qua xét nghiệm giám sát ngày 15-2 tại một trường học ở quận Gò Vấp, cơ quan y tế phát hiện một học sinh nhiễm Covid-19. Truy vết, cơ quan y tế phát hiện em học sinh này ngụ tại tu viện. Ngay sau đó, cơ quan y tế và chính quyền địa phương đã khoanh vùng tu viện, tiến hành xét nghiệm nhanh. Sau đợt 1 (ngày 15 và 16-2), phát hiện 54 học sinh và 1 tu sĩ là F0. Xét nghiệm đợt 2 (ngày 18 và 19-2), phát hiện thêm 3 học sinh nhiễm Covid-19. Tất cả ca nhiễm đều không triệu chứng và thể nhẹ”, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Ngọc Anh thông tin.
Nói thêm về ổ dịch này, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm cho biết, do tu viện rộng rãi, với 3 khu nhà riêng biệt, nên các học sinh là F0 được bố trí ở tại một khu nhà.
Đến hôm nay, 21-2, các em đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu tăng nặng. Các em đều đã được tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 theo quy định. Việc đợt xét nghiệm lần 2 chỉ phát hiện thêm 3 ca nhiễm Covid-19 so với đợt xét nghiệm 1 cho thấy ổ dịch này đã cơ bản được khống chế.
Về ổ dịch tại chung cư số 89-91 đường Nguyễn Du, phường Bến Nghé, chiều 21-2, UBND quận 1 cũng đã có thông tin chi tiết. Theo đó, qua giám sát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, ngày 16-2, Trạm Y tế phường Bến Nghé đã phát hiện 6 ca Covid-19 tại chung cư này. Đây là chung cư nhỏ, mật độ đông, lượng người qua lại các cửa hàng dưới tầng 1 nhiều, nên chính quyền và ngành y tế địa phương đã triển khai ngay những biện pháp quyết liệt để khoanh vùng kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Duy An cho biết, quận đã chỉ đạo ngành y tế tạm phong tỏa chung cư trong 24 giờ, xét nghiệm toàn bộ dân cư, qua đó phát hiện thêm 17 ca F0, nâng tổng số ca F0 tại chung cư lên 23 ca tại 15/65 căn hộ. Đến ngày 20-2, địa phương xét nghiệm lần 2 và chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới.
“Sau 24 giờ tạm phong tỏa, cư dân trong chung cư không nhiễm Covid-19 đã được đi lại sinh hoạt bình thường, nhưng được khuyến cáo không tham gia các hoạt động đông người, tự theo dõi sức khỏe và hợp tác với cơ quan y tế khi thấy có triệu chứng. Các ca F0 được điều trị tại nhà, dưới sự giám sát của tổ y tế cộng đồng”, ông Nguyễn Duy An thông tin.
Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, việc chính quyền địa phương tạm phong tỏa chung cư nhỏ hẹp, đông dân này trong vòng 24 giờ là việc làm cần thiết, đúng quy định.
Xử lý kịp thời các vấn đề xã hội
Chiều 21-2, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, tình hình lộn xộn trong đưa đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được cơ quan chức năng phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh giải quyết ổn thỏa.
Cụ thể, Cảng vụ hàng không miền Nam và cơ quan quản lý Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất rà soát, bố trí lại bãi đỗ, làn di chuyển, điểm đỗ để có thể tiếp nhận nhiều nhất xe taxi, xe công nghệ vào trong sân bay đón khách. Các hãng xe công nghệ cũng đã tăng cường tài xế và đầu xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Được sự phối hợp của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã có điểm đón khách đi xe buýt ngay tại làn B ga quốc nội. Hành khách đi xe buýt đã gặp nhiều thuận lợi hơn so với việc phải xách đồ sang ga quốc tế để lên xe buýt như trước đây.
Bên ngoài sân bay, Thanh tra Giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng quận Tân Bình xử lý nghiêm việc tài xế xe công nghệ tắt ứng dụng gọi xe để ép giá người đi xe; xử lý các trường hợp chèo kéo khách…
"Với việc áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt và lượng khách qua sân bay giảm khoảng 10% so với cao điểm đi lại dịp Tết, mấy ngày qua, tình hình trật tự an toàn giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất đã trở lại bình thường”, ông Bùi Hòa An thông tin.
Về tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua thanh tra và kiểm tra, ngành chức năng đã xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh, đảm bảo thị trường xăng dầu ổn định. Cụ thể, qua kiểm tra 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Sở Công Thương phát hiện có 5 cửa hàng tạm ngưng kinh doanh và 10 cửa hàng bán xăng dầu với số lượng hạn chế.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong 5 cửa hàng ngưng kinh doanh, có 3 cửa hàng sửa chữa, nâng cấp vì chuyển chủ; 1 cửa hàng hết xăng dầu và 1 cửa hàng nộp hồ sơ xin tạm ngưng 1 tháng do vấn đề nội bộ.
“Với cửa hàng hết xăng dầu, đoàn kiểm tra đã làm việc với đầu mối cung cấp và cửa hàng đã được cấp trở lại. Với cửa hàng nộp đơn xin nghỉ 1 tháng, chúng tôi đang xem xét nguyên nhân cụ thể. Với 10 cửa hàng bán hạn chế xăng dầu (30.000 đồng/xe máy), chủ cây xăng cho biết, do số lượng xăng còn lại ít, nên tự quyết định bán hạn chế. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận sự việc và sẽ xử lý nghiêm nếu tái phạm”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Về tổng thể, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, 15 cửa hàng nêu trên đều là doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, phần lớn nhập xăng từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Khi nhà máy này giảm công suất (hiện hoạt động 43% công suất), các doanh nghiệp nhỏ cũng thiếu nguồn cung.
“Các đầu mối cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố đang đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu, cung ứng cho doanh nghiệp bán lẻ. Số liệu ghi nhận cho thấy số xăng dầu nhập khẩu đã tăng từ 500.000 khối/tháng lên 800.000/tháng, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.