Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tin trái chiều vụ máy bay Ukraine rơi tại Iran

Minh Hiếu| 10/01/2020 07:46

(HNMO) - Ngày 9-1-2020 (giờ địa phương), hãng Reuters dẫn nguồn tin từ 3 quan chức Mỹ cho rằng, vụ tai nạn máy bay Ukraine khiến 176 người thiệt mạng hôm 8-1 có thể là do tên lửa phòng không Iran vô tình bắn hạ.Trước đó, phía Iran khẳng định máy bay gặp nạn do lỗi kỹ thuật.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Ukraine tại khu vực Tây Nam thủ đô Tehran

Các quan chức này cho biết, chiếc máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu PS752 của hãng hàng không Ukraine International Airlines đã bị radar của Iran theo dõi trước khi các tên lửa được phóng đi. Washington tin rằng đây là một sự nhầm lẫn.

Vụ việc xảy ra không lâu sau khi Iran thực hiện cuộc không kích nhằm vào hai căn cứ không quân của Mỹ tại Iraq, và Tehran đang ở trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với hành động đáp trả của Washington.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo chí tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết, ông cảm thấy vụ tai nạn máy bay này rất đáng ngờ và “có thể ai đó đã mắc sai lầm”, song không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ suy đoán này và khẳng định báo cáo điều tra sơ bộ cho thấy, chiếc máy bay xấu số gặp vấn đề kỹ thuật ngay sau khi cất cánh.

Hãng thông tấn nhà nước Iran ISNA dẫn thông tin từ Cơ quan hàng không dân dụng Iran khẳng định, việc máy bay Ukraine bị tên lửa bắn hạ là điều không thể xảy ra.

Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk cho biết, không loại trừ khả năng chiếc máy bay của nước này gặp nạn là do bị trúng tên lửa. Tuy nhiên, ông O.Honcharuk cảnh báo không thể suy luận bừa bãi trước khi có kết luận điều tra vụ việc.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 9-1, Tổng thống Ukraine đã mời Anh tham gia cuộc điều tra liên quan đến vụ tai nạn này.

Bên cạnh đó, các nhà điều tra Ukraine đang muốn kiểm tra hiện trường để xác định liệu có mảnh vỡ tên lửa Nga hay không sau khi người dùng mạng xã hội Iran chia sẻ hình ảnh chưa được xác minh cho thấy mảnh vỡ tên lửa đất đối không Tor-M1 do Nga sản xuất tại hiện trường vụ tai nạn.

Trong một diễn biến khác, hãng hàng không Đức Lufthansa cho biết, một máy bay của hãng này tối 9-1 đã phải đổi hướng quay trở về khi đang trên đường tới thủ đô Tehran của Iran. Đây là biện pháp phòng ngừa sau khi có sự thay đổi về đánh giá tình hình an ninh đối với không phận xung quanh sân bay Tehran.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin trái chiều vụ máy bay Ukraine rơi tại Iran

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.