Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tin thất thiệt, nông dân lĩnh đủ

Huyền Sơn| 02/04/2014 06:57

(HNM) - Thời gian gần đây, người tiêu dùng hoang mang trước thông tin một số vùng sản xuất rau an toàn (RAT) Hà Nội sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy trình dẫn đến sản phẩm không bảo đảm chất lượng.


Từ thực trạng bát nháo thị trường thuốc BVTV…

Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là việc sử dụng thuốc BVTV đang vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Chi cục BVTV Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 1.300 cửa hàng buôn bán thuốc BVTV song mới có 62/74 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, 693 cửa hàng có chứng chỉ hành nghề, còn lại các cửa hàng nhỏ lẻ, buôn bán theo thời vụ trong các thôn, xóm chưa được cấp phép. Để kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc BVTV, năm 2013 Chi cục đã chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra 210 cửa hàng và 56 công ty, lấy 60 mẫu thuốc BVTV đang lưu thông trên thị trường để kiểm tra chất lượng; qua đó, phát hiện 26 trường hợp vi phạm (đã xử lý cảnh cáo 9 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp với tổng số tiền là 19,3 triệu đồng, tịch thu thuốc BVTV quá hạn sử dụng và thuốc không có nguồn gốc rõ ràng)... Gần đây nhất, ngày 20-3, đoàn thanh tra liên ngành của 8 huyện (Mê Linh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh...) tiến hành kiểm tra đột xuất 55 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ở 44 xã, đã phát hiện, xử lý 9 cửa hàng vi phạm buôn bán thuốc ngoài danh mục, thuốc hết hạn sử dụng.

Đóng gói rau sạch trước khi đưa ra thị trường.



Tuy nhiên, để hạn chế những "con sâu làm rầu nồi canh" làm ảnh hưởng đến thương hiệu RAT của nông dân Hà Nội, theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, cần quản lý tốt hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn, trong đó các giải pháp quan trọng là: Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất - kinh doanh thuốc BVTV. Chính quyền cơ sở cần nâng cao ý thức, trách nhiệm về vấn đề quản lý, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, quy định trách nhiệm cụ thể của UBND xã, phường về quản lý thuốc BVTV trên địa bàn. Khi phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV vi phạm cam kết, phải xử lý nghiêm.

… đến những thông tin thất thiệt

Những giải pháp của các cơ quan chức năng đã mang lại hiệu quả tích cực. Đi cùng đoàn cán bộ của Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV tại các vùng RAT Vân Nội (Đông Anh), Văn Đức (Gia Lâm), Song Phương (Hoài Đức)..., phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy đa số người trồng đều tuân thủ quy trình sản xuất RAT. Có chăng, chỉ một vài người dân sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc Trung Quốc, thuốc ngoài danh mục được sử dụng tại Việt Nam... Cụ thể, một hộ dân ở xã Thư Phú sử dụng thuốc Mã Lục (có nguồn gốc Trung Quốc) để phun cho ruộng rau của gia đình. Tại vùng RAT ở Vân Nội (Đông Anh), theo điều tra của Chi cục BVTV Hà Nội, hầu hết hộ dân đều sử dụng thuốc BVTV sinh học, chỉ có gia đình anh Tuấn Vẻ sử dụng thuốc BVTV không đúng quy cách. Với tâm lý muốn sâu chết nhanh, anh Vẻ đã pha trộn hai loại thuốc hóa học khác để phun cho cây rau nên xảy ra hiện tượng rau bị cháy táp. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một vài người dân có "thói quen" vứt vỏ bao thuốc BVTV xuống kênh mương, bờ vùng, bờ ruộng làm ảnh hưởng đến môi trường.

Sản xuất RAT tại HTX Tiền Lệ, Tiền Yên, Hoài Đức. Ảnh: Đỗ Minh


Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội khẳng định, trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất RAT, Chi cục BVTV Hà Nội đều khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM), dùng biện pháp thủ công khi mật độ sâu bệnh thấp, sử dụng các biện pháp bẫy bả, ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc có nguồn gốc sinh học… Ở giai đoạn cây con, khi mật độ sâu bệnh cao, thuốc sinh học không có khả năng khống chế thì có thể sử dụng thuốc hóa học thế hệ mới ít độc để bảo đảm hiệu quả phòng trừ. Tuy nhiên vì lợi nhuận, một số ít hộ dân đã không tuân thủ quy trình, sử dụng những loại thuốc BVTV không có nguồn gốc xuất xứ, thuốc kém chất lượng; phun thuốc BVTV không theo hướng dẫn, tự ý tăng liều lượng, pha trộn với nhiều loại thuốc khác, khi thu hoạch không tuân thủ thời gian cách ly...

Như vậy, không hề có tình trạng "thuốc cực độc, thuốc ngoài doanh mục… nhan nhản ở các vùng rau" theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng. Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX RAT Vân Côn, Hoài Đức chia sẻ, đa số xã viên tham gia sản xuất RAT đều tuân thủ đúng quy trình sử dụng thuốc. Những trường hợp báo chí phản ánh vừa qua chỉ là cá biệt do họ thiếu hiểu biết về sử dụng thuốc BVTV. "Người trồng rau phải chịu ảnh hưởng của thời tiết, thị trường thất thường, nay lại phải gánh chịu rủi ro vì thông tin sai lệch thì đúng là khó trăm bề" - Ông Hào than phiền.

Hà Nội có 50 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

(HNM) - Chiều 1-4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị, thông tin đến phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương kết quả bước đầu Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015".

Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua thành phố tích cực triển khai xây dựng NTM nên đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đến nay, toàn thành phố có 50/401 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM; bình quân giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác đạt 212,4 triệu đồng/ha; bình quân thu nhập của nông dân đạt 27,7 triệu đồng/người/năm... Trong xây dựng NTM, thành phố chọn dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá bởi có tác động đến nhiều tiêu chí trong quá trình xây dựng NTM. Bên cạnh kết quả đạt được, trong công tác DĐĐT vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, còn ngại khó khăn; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vẫn còn hạn chế; một số địa phương do nhiều lý do khác nhau đã để nhân dân phản ứng dẫn đến khiếu kiện đông người, gây mất trật tự an ninh khu vực. Trong lúc thành phố đang tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục thiếu sót thì một số phóng viên cơ quan báo chí chưa tìm hiểu rõ diễn biến ở cơ sở hoặc nắm chưa rõ trình tự, phương pháp, bước đi trong quy trình DĐĐT của thành phố đã thông tin một chiều trên mặt báo, gây phức tạp, khó khăn cho công tác DĐĐT.

Một vấn đề khác, liên quan đến sản xuất rau an toàn cũng được Sở NN&PTNT làm sáng tỏ tại hội nghị. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, thời gian qua, một số thông tin trên mặt báo chưa đầy đủ, chưa chính xác về sản xuất rau an toàn. Các báo thông tin "thuốc cực độc nhan nhản ở vùng rau an toàn Hà Nội", "Loạn xị thuốc ngoài danh mục", "Những chuyện động trời ở Vân Nội", "Hãi hùng rau kích phọt"... đều không đúng trong thực tế và không đúng trong chuyên môn, từ ngữ, gây giật gân. Theo ông Hồng, trong chuyên môn phân ra các cấp độ như rất độc, độc cao, ít độc và rất ít độc chứ không có cực độc, cực mạnh như báo chí phản ánh, gây thiệt hại đến sản xuất rau an toàn của Hà Nội. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng thì thuốc được phép sử dụng có thuốc trừ sâu bệnh, cỏ, ốc, chuột... và thuốc kích thích sinh trưởng, không có thuốc "kích phọt" trong danh mục như báo chí nêu...

Thúy Nga
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông tin thất thiệt, nông dân lĩnh đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.