Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tin sai sự thật về vệ sinh ATTP sẽ bị xử lý nghiêm

Theo VGP News| 26/04/2012 16:37

Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chủ trì giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố đối với một số nội dung liên quan đến công tác đảm bảo VSATTP.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi giao ban. Ảnh: VGP/Từ Lương


Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm có chuyển biến

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý theo kế hoạch, công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã có những bước chuyển khá tích cực.

Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm nghiêm trọng như vận chuyển thực phẩm tươi sống, phủ tạng động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn.

Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến công tác kiểm soát ATTP trong năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn có 6% số tỉnh và 12% số huyện và 23,4% số xã mặc dù đã có Ban Chỉ đạo liên ngành nhưng không tổ chức họp giao ban nên không có chỉ đạo sát hợp với tình hình tại địa phương.

Bộ trưởng Y tế cũng khuyến cáo tình trạng các doanh nghiệp quảng cáo sai nội dung đã thẩm định, quảng cáo quá mức trong các sản phẩm chức năng, tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm sai quy định, cấm sử dụng đều rất đáng lo ngại.

Tuyên truyền người dân tuân thủ hành vi đảm bảo VSATTP

Ở khía cạnh xử lý vi phạm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường (C49 - Bộ Công an) Trần Trọng Bình cho hay, việc xử phạt, khởi tố vụ án đối với vi phạm trong việc sử dụng chất cấm trong VSATTP gặp nhiều khó khăn do chưa hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, thời gian tới đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể để lực lượng cảnh sát môi trường có thể nhanh chóng khởi tố những vụ vi phạm về VSATTP nghiêm trọng, góp phần răn đe đối với loại tội phạm môi trường đang diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp như hiện nay.

Cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề đảm bảo VSATTP thời gian tới Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, năm 2012 sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền và giáo dục vận động bà con nông dân và người dân tham gia những cuộc vận động nói không với trồng rau không an toàn và thay đổi hành vi mua bán và sử dụng phụ gia thực phẩm bị cấm tại các khu chợ, không tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm nếu chưa đảm bảo VSATTP.

Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm soát ATVSTP ở bếp ăn tập thể chặt chẽ hơn, có hướng dẫn và có lộ trình kiểm tra bếp ăn tại các khu công nghiệp, từ đó kiểm soát VSATTP thực phẩm đầu vào, tránh ngộ độc tập thể.

Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2012 cần khẩn trương xếp hạng chỉ số về VSATTP tại các địa phương, từ đó so sánh chỉ số này giữa các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT khẩn trương ban hành danh mục những chất cấm không được sử dụng trong thực phẩm và chăn nuôi.

Trước thông tin báo chí đưa tin không đúng sự thật, đưa tin tin thất thiệt, không có kiểm chứng của cơ quan chức năng như thông tin chất tạo nạc trong thịt lợn, chất cấm trong nuôi cá, gạo giả, trứng gà giả và bưởi da xanh có chất gây ung thư đã gây hoang mang và thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đối với người nông dân, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì là cơ quan phát ngôn, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ NN&PTNT trong tháng 6 tới ban hành Thông tư liên tịch để hướng dẫn chi tiết, từ đó áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với phóng viên và cơ quan báo chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người nông dân như thời gian qua.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã thông báo một số thông tin mà xã hội đang rất quan tâm vừa qua, đó là: thông tin về gạo giả trên thị trường mà Báo Nông nghiệp Việt Nam yêu cầu xét nghiệm là sai và không có cơ sở. Kết quả xét nghiệm thịt lợn có chất tạo nạc và chất cấm chỉ có 2/101 mẫu có dương tính với chất tạo nạc và 1/34 mẫu có dương tính với một số chất cấm sử dụng. Tỷ lệ thịt lợn phát hiện dương tính chất cấm, chất tạo nạc ở phía các tỉnh phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ là thấp, không đáng lo lắng trong xã hội như thời gian qua.

Tuy nhiên theo tính toán, người chăn nuôi cả nước đã thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng do người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn. Bên cạnh đó, việc ngành nông nghiệp chưa cung cấp thông tin kịp thời về chất cấm sử dụng trong cá nuôi nên một số tờ báo đã hiểu sai và thông tin thất thiệt trong dư luận đã gây ảnh hưởng xấu tới các trung tâm nuôi trồng thủy sản.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin sai sự thật về vệ sinh ATTP sẽ bị xử lý nghiêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.