Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông thoáng nhưng không buông lỏng

Hương Ly| 18/10/2014 07:48

(HNM) - Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 119/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 1-9), nhằm sửa đổi, bổ sung 7 thông tư liên quan đến lĩnh vực thuế, số giờ nộp thuế đã giảm hơn 200 giờ. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, cho biết, bên cạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính


Cùng với việc phấn đấu hoàn thành vượt trên 5% dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, ngành thuế sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế với NNT.

Giao dịch với khách hàng tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Trần Hải



- Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 119/TT-BTC sửa đổi 7 thông tư liên quan đến lĩnh vực thuế, số giờ nộp thuế đã giảm được hơn 200 giờ. Nhưng vấn đề đặt ra là, khi thủ tục thông thoáng, ngành thuế sẽ làm gì để kiểm soát được gian lận, chống thất thu?

- Thực hiện nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Thuế đã rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy, thực hiện và báo cáo Chính phủ những nhóm giải pháp nhằm tăng cường quản lý, cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tổng cục Thuế cũng phải tự đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng cơ chế quản lý thuế theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế, một cơ chế quản lý thuế hiệu quả là xây dựng và dần hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, thực hiện quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Tiếp đó, ngành thuế sẽ áp dụng một mô hình quản lý cho phép giảm tỷ lệ trốn thuế, giảm thiểu chi phí tuân thủ của NNT. Đây cũng là xu hướng chung của các cơ quan thuế trên thế giới để tiến tới thực hiện các chương trình nhằm tăng cường sự tuân thủ tự nguyện của NNT.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng đề án đánh giá sự hài lòng của NNT để thực hiện ngay trong năm 2014. Theo Bộ Tài chính, mức độ hài lòng của NNT là thước đo quan trọng nhất để đánh giá đúng, chính xác về hiệu quả các giải pháp về cải cách TTHC cũng như chỉ ra những điểm yếu, tồn tại cần khắc phục trong thực hiện công tác quản lý hành chính thuế, hải quan. Đây là một trong những nỗ lực của ngành tài chính nhằm cải cách TTHC, giảm tối đa số giờ khai, nộp thuế để đưa về bằng với mức bình quân của các nước ASEAN - 6 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Trong bối cảnh DN vẫn khó khăn, Chính phủ ban hành nhiều quy định mới về thuế nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho DN. Năm nay, mục tiêu thu NSNN vượt hơn 5% dự toán được giao của ngành thuế liệu có hoàn thành được không, thưa ông?

- Dự toán thu NSNN năm 2014 Quốc hội, Chính phủ giao là 624.200 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 85.200 tỷ đồng, thu nội địa là 539.000 tỷ đồng. Toàn ngành thuế triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2014 trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động còn cao, tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu hiệu quả chưa cao… Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kinh tế vĩ mô 9 tháng đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Thu NSNN 9 tháng năm 2014 đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tổng số thu do cơ quan thuế quản lý 9 tháng năm 2014 ước đạt 81,3% so với dự toán, bằng 116,7% so với cùng kỳ năm 2013. Hầu hết khoản thu, sắc thuế đều đạt khá so với dự toán và tăng trưởng thu so với cùng kỳ như: Thu từ khu vực DNNN ước đạt 77,4% dự toán, tăng 35,2% so cùng kỳ; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 82,1%, tăng 17,1%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 81,6%, tăng 37,9%... Trong những tháng cuối năm, cơ quan thuế các cấp sẽ tích cực triển khai các nhóm giải pháp nhằm phân tích diễn biến tình hình thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng thuế. Ngành thuế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, đôn đốc thu kịp thời vào NSNN năm 2014 đối với một số khoản thu lớn như dầu khí, cổ tức và lợi nhuận... phấn đấu hoàn thành vượt hơn 5% dự toán thu NSNN năm 2014 được giao.

- Tại hội nghị toàn ngành thuế mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém của ngành thuế, trong đó đặc biệt lưu ý thái độ, tác phong của cán bộ, công chức thuế. Điều này sẽ được khắc phục như thế nào, thưa ông?

- Với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành thuế khoảng 4 vạn người, địa bàn quản lý rộng, nên cũng không tránh khỏi việc ở một số nơi, hoặc tại một số thời điểm vẫn còn một số công chức thuế chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà cho NNT... Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh việc đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, ngành đã sửa đổi, bổ sung “10 điều kỷ luật của ngành”, “Những tiêu chuẩn cần xây, những điều cần chống”… nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương của công chức thuế khi thực thi công vụ. Trung tuần tháng 8-2014, Tổng cục Thuế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT nhằm chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế với NNT. Với những biện pháp đã thực hiện, chất lượng phục vụ NNT sẽ dần được nâng lên, góp phần giúp người dân, DN hoàn thành nghĩa vụ với NSNN.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông thoáng nhưng không buông lỏng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.