Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi)

Vân An| 17/06/2014 10:46

(HNMO) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa đã được Quốc hội thông qua sáng 17/6 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa có 3 Điều, trong đó Điều 1 gồm 25 khoản, Điều 2 gồm 10 khoản và Điều 3 gồm 3 khoản.

Theo đó, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa bao gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa.

Các phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải đăng ký lại trong các trường hợp: chuyển quyền sở hữu; thay đổi tên, tính năng kỹ thuật; Trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện chuyển sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác; Chuyển đăng ký từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thuỷ nội địa.

Về điều kiện hoạt động của phương tiện, đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo luật định, có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, số lượng người được phép chở trên phương tiện; có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.


Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau: Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện; Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định; Phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, số lượng người được phép chở trên phương tiện; Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu khác với màu sơn mạn phương tiện.

Đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi có tai nạn, sự cố xảy ra trên đường thủy nội địa, Luật quy định, thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thuỷ nội địa phải tìm mọi biện pháp để kịp thời, khẩn cấp cứu người, phương tiện, tàu biển, tàu cá, tài sản bị nạn; báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa gần nhất; xác định vị trí phương tiện bị tai nạn, sự cố, bảo vệ dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn, sự cố.

Luật cũng bổ sung nhiều quy định với thuyền trưởng như giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng có thời hạn 05 năm và được phân thành hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và hạng tư với thuyền trưởng; phân thành hạng nhất, hạng nhì và hạng ba với máy trưởng. Để dự thi nâng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng, người dự thi phải có đủ thời gian làm việc theo chức danh tương ứng.

Về tìm kiếm cứu nạn, theo luật mới, cơ quan, đơn vị tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa nhận được tin báo phải cử ngay người, phương tiện đến nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người, phương tiện bị nạn; được quyền huy động người, phương tiện để cứu vớt, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ tài sản, phương tiện bị nạn, dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt. Trường hợp tai nạn, sự cố gây tác hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Cơ quan công an khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn trên đường thuỷ nội địa phải kịp thời triển khai lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn; tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người bị nạn có trách nhiệm chỉ đạo, huy động lực lượng đảm bảo an ninh trật tự hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất hoặc hỏa táng thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất hoặc hỏa táng, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất hoặc hỏa táng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.