Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua 4 dự thảo luật

Hà Phong| 07/04/2016 06:43

(HNM) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các dự thảo: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).


Luật Tiếp cận thông tin bao gồm 5 chương, 37 điều đã được 437/448 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm 88,46% tổng số ĐBQH. Tiếp thu các ý kiến đại biểu thảo luận trước đó về việc cần thiết phải quy định rõ các trường hợp tiếp cận có điều kiện và không được tiếp cận thông tin để bảo đảm quyền của người dân hài hòa với lợi ích nhà nước, lợi ích của xã hội, Điều 6 và Điều 7 của luật quy định cụ thể thông tin công dân không được tiếp cận, thông tin tiếp cận có điều kiện.

Theo đó, công dân không được tiếp cận đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước; thông tin mà nếu tiếp cận sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác… Công dân được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý…

Với 88,06% đại biểu tán thành, Luật Dược (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Dự thảo luật quy định chứng chỉ hành nghề được cấp một lần trên cơ sở thống nhất của 62,67% ĐBQH trả lời phiếu xin ý kiến. Giá thuốc sẽ được quản lý theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, luật cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc, quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối kết hợp trong việc quản lý giá thuốc. Để xử lý tình trạng tiếp thị, quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức gây hiểu lầm cho người dùng, dự thảo luật bổ sung quy định: Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế gồm 4 điều đã được Quốc hội thông qua với 86,64% đại biểu tán thành. Trước các ý kiến phản ánh, quy định tỷ lệ tiền chậm nộp thuế là 0,04%/ngày trong xu thế lãi suất vay ngân hàng ngày một giảm là cao, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép quy định mức tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày tại Luật Quản lý thuế. Với Luật Thuế giá trị gia tăng, sản phẩm nông nghiệp mới qua sơ chế thông thường thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng ở khâu sản xuất và thuộc đối tượng chịu thuế suất 5% ở khâu kinh doanh thương mại; đối với sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến công nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%.

Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 5 chương, 22 điều đã được Quốc hội thông qua với 91,30% đại biểu tán thành. Dự thảo luật quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thời hạn nộp thuế và thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung một khoản quy định về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quyền phân phối vào Điều 2 của dự thảo luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông qua 4 dự thảo luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.