(HNMO) - Sáng 11-1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào 3 dự thảo nghị quyết, trong đó thông qua 2 nghị quyết về công tác bầu cử.
Đó là các dự thảo: Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung; Nghị quyết Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp.
Không giới thiệu người không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử. Trong đó nêu rõ, về vấn đề tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm tính ổn định, phát huy các ưu điểm, khắc phục được một số vướng mắc trong kỳ bầu cử trước, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị quy định, với người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội (bao gồm cả cử tri công tác tại Viện Nghiên cứu lập pháp).
Về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, dự thảo Nghị quyết được chỉnh lý theo hướng: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác. Nếu không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Báo cáo Quốc hội về đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội
Đối với dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp, đáng lưu ý, về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội, báo cáo nêu rõ, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp không quy định đặc thù về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội. Do đó, vấn đề này cần được báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ mười một.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, về cách thức tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri như đề xuất của Ủy ban Pháp luật là phù hợp vì thành phần được mở rộng, giảm bớt hội nghị…
Tại phiên họp, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung; và Nghị quyết Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn về công tác bầu cử.
Với quy định về tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người tự ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan. Về quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất về việc báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này tại kỳ họp thứ mười một.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu rõ, riêng về Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn chỉnh, sau đó gửi văn bản đến Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký chứ không tổ chức hội nghị để ký nghị quyết liên tịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.