Sáng 25/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức cuộc họp với các công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam từ Libya về nước để thống nhất quy trình tuyển dụng.
Người lao động trở về từ Libya. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN) |
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Hoàng Kim Ngọc đã thông tin cho các công ty về đặc điểm của lao động trở về từ Libya.
Theo bà Ngọc, trong số hơn 10.000 lao động trở về, 70% trong độ tuổi từ 21-30; 20% trong độ tuổi 31-40, còn lại 10% trên 40 tuổi. Hơn một nửa trong số lao động trên đã làm việc ở Libya trên 1 năm.
“Như vậy, có thể thấy phần lớn lao động từ Libya về nước đang trong độ tuổi sung sức và đã có kinh nghiệm làm việc tại Libya, tiếp thu được tác phong làm việc tại nước ngoài,” bà Ngọc cho hay.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: “Sau khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có Công văn số 751/LĐTBXH-VL ngày 21/3 về việc giải quyết việc làm đối với lao động từ Libya về nước gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tỉnh đã triển khai ngay việc thống kê, khảo sát nắm khả năng, nhu cầu và nguyện vọng cụ thể của từng người lao động trên địa bàn (như: các thông tin cá nhân, trình độ văn hóa, chuyên môn và tay nghề, nhu cầu và nguyện vọng làm việc…).
Ông Trung cho biết thêm: “Một số tỉnh đã báo cáo về mức hỗ trợ người lao động trở về từ Libya, như: Nghệ An hỗ trợ 1 triệu đồng/người; Hà Nội: 1 triệu đồng/người; Hải Dương: 1 triệu đồng/người; Ninh Bình: 3 triệu đồng/người…”
Các công ty tuyển dụng lao động cũng cho biết, họ đã bắt đầu tiến hành việc tuyển lao động từ Libya, riêng Tổng Công ty Viglacera đã tuyển được một số lao động và họ đã bắt đầu vào làm việc ở Tổng Công ty từ tuần trước.
Để việc tuyển dụng được thuận lợi, các công ty sớm tuyển được công nhân cũng như người lao động sớm có việc làm để ổn định cuộc sống, các công ty đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước hỗ trợ để họ được làm việc với các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Libya và với các địa phương có lao động trở về từ quốc gia này để qua đó liên hệ trực tiếp với người lao động.
Kết thúc cuộc họp, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các công ty tổng hợp rõ nhu cầu tuyển dụng cụ thể của mình (số lượng, giới tính, độ tuổi, ngành nghề, trình độ tay nghề, mức lương, quyền lợi nghĩa vụ của người lao động trong thời gian làm việc…) và gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước trước ngày 30/3. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ gửi văn bản giới thiệu các công ty về địa phương để tuyển lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.