Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông điệp tuổi trẻ từ kịch kinh điển

Yên Nga| 02/10/2022 07:59

(HNM) - Vở kịch “Hedda Gabler” - tác phẩm được coi là đỉnh cao sự nghiệp của nhà viết kịch Na Uy Henrik Ibsen, đã được Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt công chúng từ sự hợp tác với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Qua bàn tay đạo diễn người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama, với sự tham gia của các diễn viên tài năng Nhà hát Tuổi trẻ, những thông điệp ý nghĩa dành cho tuổi trẻ được làm sáng rõ.

Một cảnh trong vở “Hedda Gabler”. Ảnh: baotintuc.vn

Ấn tượng đầu tiên với khán giả thưởng thức vở kịch “Hedda Gabler” là một sân khấu thiết kế khác lạ: Hình tròn và mặt phẳng nghiêng, tạo cảm giác chênh vênh, mất phương hướng. Đó chính là “chìa khóa” để đạo diễn sân khấu đương đại Tsuyoshi Sugiyama mở cánh cửa vào vở kịch đã ra đời hàng thế kỷ qua.

“Hedda Gabler” cũng là tên nhân vật chính của vở kịch - một cô gái xinh đẹp, kiêu ngạo, có nhiều tham vọng và không dễ bằng lòng với những gì mình có. Kết hôn với học giả Jorgen Tesman, có tuần trăng mật dài ngày, nhưng cô cảm thấy nhàm chán, trống rỗng. Sự xuất hiện của Eilert Lovborg - học giả đối thủ của Jorgen Tesman, trước đây từng say mê Hedda và Thea - một phụ nữ nhút nhát dám yêu và mạo hiểm, khiến tính cách của Hedda trỗi dậy. Cô từ bỏ sự sắp đặt của cuộc sống, sẵn sàng làm mọi chuyện để thỏa mãn bản thân… Vở kịch làm sáng tỏ những vấn đề chung của phụ nữ trong một xã hội do nam giới xây dựng. Bởi vậy, vở kịch có giá trị vượt thời gian và vẫn có sức hút đối với những người làm sân khấu cũng như khán giả hôm nay.

Đã từng thành công khi dàn dựng vở kịch “Cậu Vanya” cho Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama dành tâm huyết của mình cho “Hedda Gabler” để tiếp tục mang đến với khán giả Việt Nam và những người nước ngoài đang sống tại Thủ đô Hà Nội một tác phẩm có quy chuẩn, vóc dáng quốc tế. Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama chia sẻ, các nhân vật xuất hiện trong vở kịch “Hedda Gabler” đều là những con người bị rơi xuống vực thẳm bởi muôn vàn lý do. Nhưng họ đã nỗ lực để thoát khỏi đó, đối đầu với số phận bằng lòng dũng cảm, sự bùng nổ mãnh liệt để tìm lại phẩm giá mà mình đã đánh mất… Thông điệp mà vở diễn này dành cho người trẻ hiện đại là nhận ra mình là ai, điều gì là quan trọng với cuộc đời mình và hành động để trở thành người mình muốn.

Toàn bộ vở kịch “Hedda Gabler” chỉ diễn ra trong phòng khách nhà Tesman, không có xung đột kịch tính, đa phần là những giằng xé nội tâm, vì vậy không dễ để giải mã trên sân khấu Việt. Song, vở diễn thu hút khán giả từ đầu đến cuối. Dấu ấn đạo diễn rất rõ ràng, từ thiết kế sân khấu mang đậm tính ước lệ đặc trưng của sân khấu Việt Nam và Nhật Bản đến phục trang, âm nhạc theo hướng tối giản. Hành động của diễn viên cũng dứt khoát, hiệu quả và mang tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, lời thoại cũng như cách thoại của diễn viên nhanh, mạnh, lôi cuốn khán giả theo dõi. Điều làm nên sức hấp dẫn của vở kịch còn là cuộc gặp gỡ những diễn viên vốn quen thuộc trên màn ảnh truyền hình và khán giả sẽ thấy một hình ảnh khác của họ trên sân khấu, với Lương Thu Trang, Thanh Sơn, Chí Huy, Thanh Tú, Anh Thơ… Trong vở diễn, các nghệ sĩ không sử dụng micro như thông thường, nên khán giả cảm nhận được chất giọng và nội lực của từng diễn viên. Vở diễn còn có phụ đề tiếng Anh dành cho người nước ngoài thưởng thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp tuổi trẻ từ kịch kinh điển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.