Năm học mới đã đến, mở ra trách nhiệm, cơ hội và hy vọng cho đội ngũ thầy, trò cả nước. Nhìn lại những thành tựu đã đạt được để hướng đến tương lai, những thay đổi tích cực của ngành GD đã và đang góp phần xây dựng, phát triển đất nước…
Năm học mới đã đến, mở ra trách nhiệm, cơ hội và hy vọng cho đội ngũ thầy, trò cả nước. Nhìn lại những thành tựu đã đạt được để hướng đến tương lai, những thay đổi tích cực của ngành GD đã và đang góp phần xây dựng, phát triển đất nước…
Vinh danh “sự học”
Được truyền hình trực tiếp trên VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam, chương trình Thông điệp ngày khai trường – Tầm vóc Việt diễn ra tối 4/9 đã truyền tải đầy đủ những thông điệp mang tính nhân văn, mở ra một năm học được hy vọng sẽ có thêm nhiều niềm vui mới và hy vọng mới.
Tại buổi giao lưu, những câu chuyện, những chia sẻ các em HS, SV, các thủ khoa đại học, đoạt giải Olympic quốc tế… đã để lại những xúc cảm đặc biệt trong lòng khán giả. Ấn tượng và đầy ngưỡng mộ chính là hai thủ khoa ĐH Ngoại thương Nguyễn Duy Hải và Lê Cao Nguyên, hai em là tấm gương về tinh thần hiếu học, cũng như sự vươn lên xuất sắc trong hoàn cảnh khó khăn để đạt được thành tích đáng tự hào với mong muốn thoát nghèo và đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Nguyễn Duy Hải (Nghệ An), thủ khoa ĐH Ngoại thương, có bố là thợ xây, mẹ là nông dân, quanh năm đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ ăn nên từ nhỏ Hải đã ý thức được gia cảnh nghèo khó của mình và phấn đấu học. Tuy nhiên, một thời gian cậu cũng bị bạn bè lôi cuốn ham chơi, bỏ bê học tập. Bố của Hải đã rèn con bằng cách cho đi phụ hồ để vừa giúp đỡ gia đình, vừa để con trai hiểu được giá trị của đồng tiền. Quá trình đi làm phụ hồ giúp bố Hải đã nhận thức được nỗi vất vả của gia đình và có những nỗ lực lớn trong quá trình học tập với thành tích xuất sắc. Việc đăng ký vào ĐH Ngoại thương Hải mong ước mơ trở thành doanh nhân thành đạt và ước mơ trở thành sinh viên ĐH Ngoại thương đã thành sự thực khi em là 1 trong 2 thí sinh đạt điểm cao nhất của ĐH Ngoại thương trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua. Còn Lê Cao Nguyên (Hạ Long), thủ khoa ĐH Ngoại thương cũng làm cho không ít người ngưỡng mộ, bởi không chỉ bảng thành tích học tập xuất sắc từ cấp 1 đến cấp 3, chàng tân thủ khoa còn có năng khiếu âm nhạc rất ấn tượng. Lê Cao Nguyên đã làm đông đảo khán giả xúc động bằng bản nhạc Giai điệu số 5 do em sáng tác và trình diễn.
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện về “sự học” của HS, SV, những câu chuyện về quá trình tự học, tự lập thân, lập nghiệp của các nhà khoa học, các doanh nhân, nhà quản lý giáo dục như GS.TS. Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương hay TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà book…là những bài học quý báu cho HS, SV Việt Nam noi theo.
Trăn trở trước sự nghiệp “trồng người”
Gửi lời nhắn nhủ tới 22 triệu HS, SV và giáo viên trên cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các thày cô và các em HS tiếp tục rèn luyện, vượt qua khó khăn, tự khám phá những tri thức mới nhằm góp công, góp sức xây dựng Tổ quốc. Tuy nhiên, trước những khó khăn của thầy cô giáo và HS tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Phó Thủ tướng trăn trở: để thể lực của HS dồi dào, để giáo viên yên tâm với sự nghiệp “trồng người” cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các cá nhân, doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên, HS trên cả nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, ngoài cơ chế, chính sách, bản thân giáo viên, HS phải nỗ lực, vươn lên, tiếp tục trau dồi thêm kiến thức để không tụt hậu trước sự phát triển mạnh mẽ của thế giới.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của sự nghiệp “trồng người”, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH – nhà tài trợ chính của chương trình cho rằng, con người là nguồn lực của xã hội. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn là rất quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước và dân tộc Việt Nam. “Chúng tôi chỉ có một mong muốn là làm giàu cho đất nước, mang lại những giá trị vẹn nguyên từ thiên nhiên, góp phần cải thiện và nâng cao trí tuệ, thể chất cho người Việt Nam”. Bà Hương nói.
10 tấm gương HS nghèo, học giỏi đã được Tập đoàn TH trao tặng học bổng mỗi em 40 triệu đồng. Tập đoàn TH cam kết chung sức, chung lòng phát triển trí tuệ và thể chất của các thế hệ người Việt Nam trong tương lai.
Để thực hiện điều này, “Tầm vóc Việt” sẽ bao gồm 2 chương trình là “Ly sữa học đường”, đem đến hàng triệu ly sữa mỗi năm cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để cải thiện sức khỏe và khả năng học tập; “Nuôi dưỡng tài năng” là một sân chơi trí tuệ, kỹ năng và tâm hồn của các em học sinh trên truyền hình nhằm cổ vũ cho phòng trào học tập, nghiên cứu và rèn luyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.