Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông điệp của “một người mẹ mạnh mẽ và đầy ắp âu lo”

Hà Dương| 09/10/2014 17:07

(HNMO) - “Nhật ký cho Jordan” là cuốn hồi ký của một người mẹ, biên tập viên chính của tờ báo New York Times danh giá-Dana Canedy viết cho con trai, khi cậu bé mới 10 tháng tuổi.



Một cuốn tự truyện của niềm hạnh phúc gia đình vô bờ bến, xen lẫn nỗi đau đớn khôn nguôi khi cha của Jordan-một sĩ quan huấn luyện quân của Hoa Kỳ ra đi vĩnh viễn trong cuộc chiến của Mỹ tại Iraq (năm 2006)…

Bìa cuốn "Nhật ký cho Jordan"


“Nhật ký cho Jordan” vừa được NXB Phụ nữ ấn hành, là một trong những ấn phẩm được ra mắt tại Hội sách mùa thu 2014 diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam-36 Lý Thường Kiệt (từ 8 đến 12/10).

Tác giả cuốn hồi ký này- Dana Canedy đã có 12 năm là biên tập viên chính của tờ New York Times, người cùng với nhóm biên tập của mình đã đoạt giải Pulitzer ở hạng mục tin tức toàn quốc cho loạt bài viết “Những chủng tộc an cư ở Hoa Kỳ như thế nào” năm 2011. Và nữ phóng viên, biên tập viên luôn sống ở tâm điểm những sự kiện nóng bỏng của nước Mỹ ấy đã phải lòng Charles Monroe King, thượng sĩ chuyên huấn luyện quân của quân đội Hoa Kỳ. Charles trong câu chuyện của Dana kể với con là một người yêu nghệ thuật, say mê vẽ và “ràng buộc với quân ngũ không chỉ bởi ý thức về nghĩa vụ mà còn bởi nó mở rộng thế giới của cha” và “Với Charles, chiến tranh không phải là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” mà là những người lính mà cha đã huấn luyện, về danh dự và tự trọng, và về việc bảo vệ đất nước mà cha yêu khỏi những kẻ thù có thực hay tưởng tượng”…

Charles ra đi vĩnh viễn khi chỉ còn 6 tuần ở Iraq trước khi được trở về nhà hẳn, lúc con trai anh mới được 6 tháng tuổi. Cuốn hồi ký này được Dana Canedy viết sau đó 4 tháng… Ở đây, tác giả đã xen kẽ giữa những câu chuyện cô kể với con về “cha Charles” với chính những đoạn nhật ký mà Charles viết cho con trong những giờ phút nghỉ ngơi giữa chiến trường nóng rẫy và chết chóc…

Đặt mối tình đắm say và câu chuyện gia đình riêng tư của mình trên nền một cuộc chiến tranh, Dana Canedy đã tạo ra một tình huống “kinh điển” trong văn chương cả thể loại hư cấu và phi hư cấu. Một tình huống luôn đủ sức tạo nên nỗi xúc động lớn trong lòng người.

Những cuộc đối thoại của Dana Canedy và Charles trong những ngày cuối cùng trước khi vợ tiễn chồng ra trận… đông đặc và hoang mang bởi rất nhiều câu hỏi: về sự sống và cái chết, về đời sống riêng tư và nhu cầu sinh lý của người lính ở ngoài chiến trận, về việc người vợ có thể phải nuôi con một mình, về tương lai và khát vọng được trở về bên nhau trong một lễ Giáng sinh đầm ấm… Dana đã viết “Có điều gì đó vỡ òa bên trong khi mẹ đứng dậy và bước đến khung cửa sổ lớn nơi phòng khách”…Chiến tranh dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng luôn đặt người phụ nữ trước một thử thách ghê gớm!

Tuy nhiên, “Nhật ký cho Jordan” mang một điểm khác biệt, đó là tính báo chí rõ nét thể hiện qua những trang viết nỗ lực để trung thực, khách quan, không màu mè mà vẫn xúc động. “Đã đến lúc mẹ kể con nghe cha mất như thế nào. Đây là điều đau đớn nhất mẹ từng viết…Nhưng mẹ tin là mẹ nợ con một lời giải thích tường minh nhất về cái ngày tang thương ấy. (…) Đôi khi mẹ khóc đến lúc ngủ thiếp đi sau khi phỏng vấn. Mặc dù vậy, công việc càng vắt kiệt sức, mẹ càng không thể bỏ cuộc cho đến khi biết được sự thật”.

Do đó, bên cạnh câu chuyện tình yêu vợ chồng, cha con, “Nhật ký cho Jorrdan” còn hé mở rất nhiều mảng màu về cuộc chiến tranh ở Iraq từ góc độ gia đình của người lính. Người viết đồng tình với quan điểm của dịch giả “Sự thú vị đến từ cách Dana trình bày quan điểm cá nhân của mình: cô là phóng viên của New York Times-một trong những tờ báo đi đầu trong phong trào phản chiến, còn chồng cô lại đang đi lính ở Iraq. Cô có phản đối cuộc chiến đó không? Cô có oán giận những người đã đẩy vợ chồng cô vào cuộc sinh ly tử biệt? Trước sau Dana một mực bặt ngôn. Là một phóng viên với nguyên tắc tôn trọng sự thật và là một người mẹ đang viết nhật ký cho con trai, Dana đã phải buộc cảm xúc nhường chỗ cho sự thật khách quan ẩn giấu rất nhiều ý nghĩa…”

Có thể nói “người mẹ mạnh mẽ và đầy ắp nỗi âu lo” với cuốn hồi ký vừa tỉnh táo vừa đầy cảm xúc này khiến chúng ta không thể không cảm nhận một điều giản dị: “Nếu mỗi sớm ra tỉnh dậy, vợ không phải tiễn chồng ra trận, cha không phải xa con đến một nơi sống chết mong manh, thì đấy đã là một điều vô cùng hạnh phúc!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp của “một người mẹ mạnh mẽ và đầy ắp âu lo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.