Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông cáo báo chí về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2012

chinhphu.vn| 06/03/2012 17:58

Hànộimới điện tử giới thiệu toàn văn “Thông cáo báo chí về một số nội dung chủ yếu của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2012” của Văn phòng Chính phủ.

Trong hai ngày 05 và 06 tháng 03 năm 2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 02 năm 2012, thảo luận và quyết nghị về một số nội dung chủ yếu sau:

1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và hai tháng đầu năm 2012 và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012:

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 02 và hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ và quyết liệt đang phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 chỉ tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cuối năm 2011, thấp hơn nhiều so cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Lãi suất tín dụng có xu hướng giảm nhẹ, rõ nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Thị trường ngoại hối tương đối ổn định, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện, tỷ giá giao dịch có xu hướng giảm. Xuất khẩu tăng 24,8% so cùng kỳ năm trước, nhập siêu tương đương 4,1% kim ngạch xuất khẩu, giảm nhiều so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22%. Thu ngân sách đạt khá, bảo đảm các khoản chi theo kế hoạch và phát sinh. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 27,1%. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm[1]. Các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm chỉ đạo giải quyết. Trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực, tai nạn giảm nhiều so cùng kỳ (giảm 17% số vụ, giảm 11% số người bị chết, giảm 18% số người bị thương). Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Công tác đối ngoại tiếp tục đạt nhiều thành tựu. Công tác xây dựng thể chế được đẩy mạnh. Cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm.

Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư công được thực hiện tích cực và đạt những kết quả bước đầu[2].

Tuy nhiên, còn nổi lên những khó khăn, tồn tại: Lạm phát đã được kiềm chế nhưng hiện vẫn còn ở mức cao; lãi suất cũng còn ở mức cao gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Sản xuất công nghiệp tăng chậm và tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, hàng hóa tồn kho gia tăng, chi phí đầu vào cao, quy mô sản xuất thu hẹp. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa đông xuân và chăn nuôi. Dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng ở nhiều địa phương. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn, nhất là ở các huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại; chủ động bám sát tình hình kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, trước mắt là bảo đảm kế hoạch của quý I năm 2012. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ; kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung vào tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.

- Điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất tín dụng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết hài hòa các mục tiêu: kiềm chế lạm phát, giải quyết thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá ngoại tệ; ưu tiên vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, chương trình xây dựng nhà xã hội.

- Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho; quan tâm thị trường trong nước, đưa hàng hóa, dịch vụ về khu vực nông thôn; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.

- Bảo đảm tiến độ gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân; phát triển chăn nuôi đi đôi với tăng cường các biện pháp quyết liệt để kiểm soát, phòng, chống, khống chế dịch cúm gia cầm, không để dịch lan rộng; Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua lúa đông xuân tại ĐBSCL và tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đối với hàng rau, quả xuất khẩu.

- Có các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp trong nước phát triển và hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước với nhiều hình thức đầu tư; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký mới và tăng thêm vốn; đẩy nhanh giải ngân vốn FDI và ODA để tranh thủ nguồn lực, tạo việc làm phục vụ phát triển kinh tế; bảo đảm vốn đầu tư những công trình thiết yếu phục vụ dân sinh và sản xuất.

- Đề xuất giải pháp và lộ trình thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu vừa bảo đảm mục tiêu theo cơ chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.

- Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chủ động, sâu sát nắm tình hình đời sống nhân dân, nhất là đối với các hộ gia đình chính sách, đồng bào nghèo, thời kỳ giáp hạt để có biện pháp cứu trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu đói; rà soát tình hình lao động, việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp để tháo gỡ, không để mất ổn định.

- Tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; ngăn chặn, khống chế nguy cơ lây lan các dịch bệnh như cúm A (H5N1) bệnh viêm não mô cầu, bệnh tay chân miệng.

- Tiếp tục thực hiện, theo dõi và đánh giá các giải pháp chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm.

- Tăng cường phòng chống tội phạm, tập trung điều tra các vụ án trọng điểm; tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông, nhất là trong vận tải hành khách trên các tuyến giao thông trọng điểm; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; rà soát, chỉ đạo công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt ở các thành phố lớn, trung tâm thương mại và khu vực đông dân cư.

- Thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm khách quan, đúng định hướng. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, lãnh đạo địa phương chủ động cung cấp thông tin về tình hình, chủ trương, chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

2. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình và Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 do Tổng Thanh tra Chính phủ trình.

Chính phủ giao Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo trước khi trình Bộ Chính trị.

3. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Đề án tổng thể cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình; Đề án một số vấn đề an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.

Các Đề án này nhằm tạo động lực nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội để trở thành trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, hoàn thiện chế độ trợ cấp ưu đãi người có công. Đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; bảo đảm hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc thù; bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản; góp phần giảm nghèo bền vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ giao Bộ trưởng các Bộ chủ trì các đề án này tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề án, xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI).

----------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Trong tháng 2/2012 tạo việc làm khoảng 137,2 nghìn người, trong đó xuất khẩu lao động ư­ớc đạt 7,2 nghìn người. Hỗ trợ cho các hộ thiếu đói. Trong tháng 02/2012 đã hỗ trợ khoảng 900 tấn lương thực; lũy kế hai tháng đầu năm đã hỗ trợ cứu đói khoảng 13,6 nghìn tấn lương thực và khoảng 22,4 tỷ đồng; hỗ trợ giá điện, hỗ trợ về nhà ở, xóa nhà dột nát;… đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn; tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;…

[2] NHNN đã tiến hành phân hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo 4 mức bước đầu tạo được những phản ứng tích cực từ hệ thống ngân hàng; đây là bước ban đầu về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. 8 Tập đoàn, Tổng công ty lớn ký cam kết tiết kiệm chi phí gần 6.700 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông cáo báo chí về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2012

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.