Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016

Theo Chinhphu| 29/10/2016 20:35

Ngày 29/10/2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu


 Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những nét chính của tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2016, trong đó có việc Việt Nam vừa tổ chức thành công 3 sự kiện quốc tế lớn (Hội nghị ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và WEF-Mekong), qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Đồng thời, môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới đã tăng 9 bậc, đứng thứ 5 trong ASEAN và năm nay, Việt Nam đã cải thiện được một số tiêu chí như tiếp cận điện năng tăng 5 bậc; tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số chỉ số sụt giảm thứ hạng để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới như tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn…

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay, Thủ tướng lưu ý: “Phải tính toán vấn đề này để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ chỉ số này không vượt quá chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra”.

Về tốc độ tăng GDP 9 tháng mới đạt 5,93%, Thủ tướng yêu cầu “phải bàn sâu hơn, kỹ hơn, để có giải pháp bảo đảm tăng trưởng”, đạt mục tiêu đề ra khoảng 6,3-6,5%. Trong đó, lưu ý các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, tài chính, tín dụng, đầu tư…

Nhắc nhở tình trạng tái diễn nhiều năm qua là những tháng đầu năm, tăng trưởng thường chậm hơn, vấn đề này dẫn tới những tháng cuối năm phải “chạy nước rút” để đạt mục tiêu đề ra, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu: “Chúng ta phải bàn những chủ trương lớn để ngay quý I/2017 đạt tốc độ tăng trưởng cao. Phải chủ động ngay từ bây giờ, không để bị động, lúng túng. Không thể để ăn Tết xong mới bàn đến quý I”.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, liên tục có những diễn biến khó lường; trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, gần đây là mưa lũ nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của nhân dân... song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Hầu hết các lĩnh vực của ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2015; sản xuất nông nghiệp từng bước phục hồi, thủy sản đạt mức tăng trưởng khá; xuất khẩu tăng trưởng khá, trong đó xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản tiếp tục đạt mức cao.

Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm và khá ổn định; thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực; dự trữ ngoại hối tăng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao, ký kết vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cao gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 9 bậc, xếp thứ 82 trong tổng số 190 nước khảo sát.

Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ, lao động việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Khắc phục kịp thời hậu quả của bão lũ các tỉnh miền Trung. An ninh chính trị và trật tự xã hội xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, trong 10 tháng đầu năm, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Do ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn, các đợt mưa lũ vừa qua và tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến khó lường đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân. Các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Tiến độ thu ngân sách đạt thấp, nhất là tiến độ thu ngân sách trung ương thấp hơn nhiều so với thu ngân sách địa phương. Hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn. Đời sống nhân dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

Với chủ đề của phiên họp là: “Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu”, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để đạt 2/13 chỉ tiêu của năm 2016 mà cho đến nay vẫn chưa đạt.

Phát biểu kết luận phiên họp, nhấn mạnh những kết quả về kinh tế-xã hội đạt được trong tháng 10 và 10 tháng năm 2016 là tích cực, đã mang lại niềm tin xã hội và niềm tin thị trường; đồng thời nêu rõ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ còn lại của 2 tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 là hết sức nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời; quyết tâm hành động trong thực hiện nhiệm vụ; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung nỗ lực để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất từ 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát không quá 5%. Thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn lực trong xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến nợ xấu; yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để kiềm chế nợ xấu mới phát sinh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là trong dịp cuối năm khi nhu cầu thanh toán tăng mạnh.

Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư. Triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chống chuyển giá; kiểm tra sau thông quan; kiểm tra việc kê khai giá tính thuế;... Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 và Nghị quyết số 60 của Chính phủ. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi cho hội họp, tiếp khách, đi công tác trong nước và nước ngoài; đảm bảo thu-chi ngân sách.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán với các đối tác để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật; rà soát, tháo gỡ khó khăn, thủ tục hành chính bất hợp lý đối với hàng hóa xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh 2 tháng cuối năm. Trên đà phục hồi tốt của ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục phát triển sản xuất ở những vùng bị ảnh hưởng; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp; tháo gỡ khó khăn, không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ở cả trong và ngoài nước.

Tập trung mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy phát triển khu vực du lịch, dịch vụ. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển du lịch; đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Chuẩn bị tốt hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm. Thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Làm tốt công tác chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và 21 Chương trình mục tiêu; đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân; chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các loại hình dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm theo mùa; tiếp tục chú trọng đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực tiễn đời sống.

Thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông; chủ động thông tin kịp thời về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân. Làm tốt công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Về công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hữu quan tiếp tục quan tâm tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh đang có hiệu lực, đang có nhiều vướng mắc, bất cập; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong chỉ đạo và thực thi công vụ. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công,... xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thực hiện nghiêm túc chủ chương về tinh giản biên chế; đảm bảo bộ máy thực sự tinh gọn, giảm được biên chế.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình; không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chủ động trong tấn công, trấn áp tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân.

Liên quan đến chuẩn bị triển khai kế hoạch năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị quyết chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2017, đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương tháng 12/2016 để ban hành ngay trong đầu năm 2017. Đồng thời, ngay từ thời điểm này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần này trong đời sống xã hội.

“Mỗi bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị và xây dựng Chương trình hành động của bộ, ngành, địa phương mình cho năm 2017 với tinh thần tiến công và đột phá”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu yêu cầu.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về: dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thay thế Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 8/9/2014 về việc phân công cho Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế; nội dung Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa 2 nước; Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng về kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tháng 10/2016./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.