(HNM) - Cứ phải nói mãi chuyện của ngành điện quả thật cũng chán. Nhưng không nói thì nhiều người dân vẫn thấy ấm ức. Mùa hè năm ngoái, sau mấy trận bão
Lúc ấy câu chuyện trách nhiệm xã hội của thủy điện được bàn tới lui, thậm chí còn làm nóng ran diễn đàn Quốc hội. Chính phủ cũng đã phải chỉ đạo cụ thể, yêu cầu rà soát lại quy hoạch thủy điện cũng như đánh giá mức độ an toàn của các con đập. Nhưng xem ra chỉ ngay sau đó, khi con nước rút, dư luận cạn dần thì trách nhiệm rà soát cũng... hạn hán.
Hôm rồi, bất chợt lại đọc được thông tin ở một địa phương nọ đang tồn tại nghịch lý là "biếu không" điện cho nước ngoài dù chẳng được lời cảm ơn, mà còn bị phạt tới vài chục ngàn USD. Vậy là trong khi nhiều nơi còn đang khốn khổ vì thiếu điện thì ở vùng nói trên lại thừa điện. Tệ là thứ sản phẩm này thừa cũng chẳng đổ đi đâu được, cho không người ta còn phạt kia mà. Cực chẳng đã, hiện nay để "khắc phục khủng hoảng" thừa điện, ngành điện lực địa phương nọ đã phải yêu cầu các khách hàng tiêu thụ điện năng lớn mua điện chạy vào giờ cao điểm và cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện tiết giảm công suất.
Bây giờ, nhắc đến "điện" nhiều người trách khéo là "điên nặng". Hài hước nhưng không phải vô lý. Bởi câu chuyện xung quanh ngành điện đã quen như cơm bữa, là "chuyện thường ngày ở huyện". Từ cắt điện luân phiên đến tăng giá, từ xây thủy điện đến tác động môi trường, ảnh hưởng dân sinh... toàn những kiến nghị bức xúc. Thiếu điện, cắt điện thì ngành điện kêu lỗ, nại rằng giá điện rẻ nên không ai muốn đầu tư, nhưng tăng giá rồi thì vẫn... lỗ vì khách quan như hạn hán thiếu nước, giá điện không "theo giá thị trường", rồi thậm chí là tại... dân không biết tiết kiệm.
Mấy năm nay, các nhà máy thủy điện mọc lên như nấm sau mưa, chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng theo quy hoạch sẽ có tới 80 dự án thủy điện lớn nhỏ. Thủy điện mọc lên cũng tỷ lệ thuận với diện tích rừng bị thu hẹp và càng thêm nhiều những "cơn hồng thủy" xuống hạ lưu. Rừng mất, danh lam thắng cảnh mất, hạ tầng, môi trường bị hủy hoại, dân khó khăn trong sản xuất, thậm chí thiệt hại cả người và của do xả lũ bất thường. Thế nhưng khi được chất vấn về tác động của việc triển khai một dự án thủy điện vẫn có nhà quản lý cho rằng "có mất rừng ở vườn quốc gia nhưng là ảnh hưởng ít". Ít mức nào thì chưa ai biết, nhưng có lẽ thiệt hại ít, còn trách nhiệm cao nên chính vị này cũng đẩy trách nhiệm lên trên khi khẳng định "xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và làm hay không là quyết định của Thủ tướng".
Nhà hoạch định thì nói vậy, nhưng ở địa phương lại khác. Còn nhớ năm ngoái, bên lề kỳ họp Quốc hội, vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, nơi có khá nhiều công trình thủy điện, quả quyết: "Trên thực tế lợi ích kinh tế từ thủy điện mang lại cho địa phương là không có". Và bà cũng cho rằng, phải dừng ngay việc xây dựng thủy điện nếu không muốn lũ miền Trung thêm trầm trọng.
Sau mỗi lần cắt luân phiên, sau mỗi lần tăng giá điện hoặc sau mỗi lần xả lũ, ngành điện vẫn kêu gọi sự thông cảm của nhân dân. Nhưng sự cảm thông cũng có giới hạn, nhất là khi người dân chưa được thông cảm. Hôm nay, một cơn bão lớn đang sầm sập đổ vào miền Trung, với tình cảnh thủy điện như hiện nay không biết rồi sự thể có khá hơn năm ngoái hay không. Song, với hơn 70 nhà máy thủy điện loại vừa và nhỏ, công suất từ 10 đến trên 30MW đang hoạt động trên cả nước nhưng mới có 26/44 dự án công suất trên 30MW đăng ký thực hiện an toàn đập, thì chắc chắn dân chưa thể yên tâm được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.