(HNM) - Nằm sâu trong con ngõ heo hút ở một vùng quê thuần nông thanh bình của huyện Phú Xuyên,
Khu trưng bày tái hiện hình ảnh “chuồng cọp”. |
Từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi theo quốc lộ 1A (cũ) về huyện chiêm trũng Phú Xuyên. Nhánh đường rẽ từ quốc lộ 1 đến xã Nam Triều đã trải nhựa phẳng lỳ, hai bên ven đường là những cánh đồng lúa xanh ngút tầm mắt đang chuẩn bị trổ bông. Con đường làng ở thôn Nam Quất quanh co nhưng rộng rãi, sạch đẹp, cảnh làng quê yên tĩnh đến lạ lùng. Trên con ngõ dẫn vào bảo tàng, chúng tôi gặp một phụ nữ đã luống tuổi. Chưa kịp hỏi, người phụ nữ chỉ tay và nói: "Các anh tìm vào bảo tàng ông Bảng đúng không? Đi lối này này!". Lời chỉ dẫn tận tình của người phụ nữ khiến chúng tôi hết sức cảm động, và hiểu phần nào tấm lòng người dân Nam Triều dành cho người con quê hương, cựu tù Phú Quốc Lâm Văn Bảng.
Bảo tàng Chiến sĩ bị địch bắt và tù đày được thành lập tháng 10-2006 theo Quyết định số 1711 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Những hiện vật trưng bày tại bảo tàng là quá trình tự nguyện đi sưu tầm ở khắp các nhà tù đế quốc trong cả nước từ năm 1985 đến nay của ông Lâm Văn Bảng và đồng đội. Hiện, bảo tàng có khoảng 2.000 hiện vật được bố trí ở 10 phòng truyền thống, nằm trên mảnh đất rộng 1.600m2 do dòng họ Lâm hiến tặng. |
Chín giờ sáng, nắng đầu hè đổ lửa nhưng dòng người lặn lội về thăm bảo tàng rất đông. Giám đốc Bảo tàng Lâm Văn Bảng tóc bạc phơ, da sạm đen vì nắng (sau những ngày rong ruổi "khắp Nam chí Bắc" tìm kỷ vật kháng chiến cho bảo tàng, vẫn giữ được phong thái nhà binh, nhanh nhẹn, tinh anh và nhiệt tình. Ở vị giám đốc kiêm cả việc đón khách, pha trà tiếp khách, giới thiệu, phát tờ rơi, tài liệu, hướng dẫn chỗ đỗ xe cho khách, rõ ra người chủ nhà hiếu khách. Ông Hùng, khách tham quan đến từ TX Sơn Tây, chia sẻ: "Ai về đây cũng mong muốn được trò chuyện cùng ông Bảng, được nghe chính ông giới thiệu về bảo tàng, về những kỷ vật mà ông và đồng đội sưu tầm". Trong những căn phòng nhỏ xinh, hiện vật được sắp xếp khoa học, gọn gàng. Ở đây, lớp trẻ biết được thông tin về "chuồng cọp", nơi kẻ thù đã tra tấn, hòng làm lung lay ý chí chiến đấu của cán bộ cách mạng, về những thủ đoạn đê hèn, nhằm khủng bố tinh thần các đồng chí của ta như đóng đinh vào người, đục lấy xương bánh chè, nung sắt đỏ đâm xuyên bắp đùi, ném người vào chảo nước sôi, đốt người và đốt hạ bộ, đánh bằng chày vồ, roi cá đuối, lột vỉ sắt, gõ thùng, đục răng, bẻ răng, lấy móng tay, móng chân... Cảm xúc dâng trào khi khách tham quan biết về một lá cờ Đảng đã được nhiều tù chính trị nuốt vào bụng và lấy ra bằng sợi dây buộc sẵn để không rơi vào tay giặc; chiếc đinh địch đóng vào hộp sọ đồng chí Vũ Đình Kỳ.
Còn nhớ, cách đây gần 7 năm, ngày 19-12-2004, phòng truyền thống chiến sĩ bị địch bắt và tù đày khai trương trong niềm hân hoan với những tấm lòng tri ân của chiến sĩ cựu tù Phú Quốc tưởng nhớ về đồng đội. Khi đó, trong căn phòng vỏn vẹn 16m2 là hàng nghìn hiện vật của những chiến sĩ cách mạng tù Phú Quốc trên mọi miền Tổ quốc đã được sưu tầm, bởi người cựu tù Phú Quốc Lâm Văn Bảng. Ông Bảng xúc động: "Ai cũng muốn đem hết sức mình để phòng truyền thống sớm trở thành một địa chỉ tham quan, tìm hiểu truyền thống, học tập cho mọi tầng lớp nhân dân".
Đền thờ các liệt sĩ tại bảo tàng. |
"Ước mơ lớn lao" ấy nay đã thành hiện thực. Phòng truyền thống chật chội, điều kiện bảo quản chưa đầy đủ, đã phát triển thành bảo tàng với hàng vạn lượt khách đến thăm hằng năm. Để duy trì hoạt động, ông Bảng và đồng chí của ông đã quán triệt tinh thần tự nguyện, tự quản và tự túc hàng chục năm qua. Trong một lần về thăm bảo tàng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, một cựu tù chính trị đã từng bị giam cầm hơn 10 năm tại nhà tù Mỹ Diệm, đã viết: "Tôi đến thăm bảo tàng không chỉ đại diện cho Nhà nước, mà từ sâu thẳm trái tim mình, tôi đến với tư cách là một bạn tù, muốn được biết công việc mà các đồng chí đã làm được... Bảo tàng của các đồng chí đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để các em hiểu và biết quý trọng thành quả mà cách mạng đã đem lại".
Ông Lâm Văn Bảng tâm sự: "Hoạt động của bảo tàng đang tiến triển rất tốt. Ngoài trưng bày tại đây, chúng tôi đã tổ chức trưng bày lưu động ở nhiều tỉnh như Khánh Hòa, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang... Chúng tôi nguyện làm tốt hơn nữa để bảo tàng xứng đáng là địa chỉ "đỏ" trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giữ lửa truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.