Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thơm thảo một tấm lòng Hà Nội

Bài, ảnh: Hà Minh Luân| 03/02/2013 06:38

(HNM) - Tới phường 12, quận 10 (TP Hồ Chí Minh), hỏi thăm bà Định "photo", hoặc bà Định "từ thiện", không mấy ai không biết. Dù năm nay đã ngoài 80 tuổi, chân tay đã yếu và mắt cũng không còn tinh tường như trước, thế nhưng bà Định vẫn năng đi từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh cô thế.

Dạo này sức khỏe yếu, bà Định đã lập một danh sách gửi từ thiện để khỏi quên.

Những ngày tiếp quản…

Bà Định, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Định (81 tuổi). Thế hệ của bà sống trong giai đoạn có chồng (hoặc vợ) sinh ra tại miền Nam, sau đó ra Bắc tập kết - những người có hai quê hương. Bà Định kể, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, nên tập kết ra Bắc một thời gian, ông Quách Khương, chồng bà lại khoác ba lô hành quân vào chiến trường B2 - Nam bộ, giáp ranh biên giới Campuchia tham gia chiến đấu. Phải đợi đến ngày miền Nam được giải phóng thì gia đình bà mới đoàn tụ.

Hai miền Nam - Bắc thống nhất được vài tháng, như bao gia đình Hà Nội khác, bà theo chồng vào tiếp quản Sài Gòn. "Ngày ấy háo hức lắm. Mà không riêng gì gia đình tôi, thanh niên Hà Nội thời ấy hễ cứ nói đến lên đường làm cách mạng là ai nấy đều hừng hực cả, thế nên khi đất nước cần là tất cả đều đăng ký đi xây dựng kinh tế mới mà không suy nghĩ lâu". Thời gian đầu, cuộc sống rất khó khăn, bà vào làm việc tại Xí nghiệp Sài Gòn 1 (quận 5), sau chuyển sang làm công nhân tại Xí nghiệp May Sài Gòn 3 (quận Tân Bình). Dạo "Hà Nội 12 ngày đêm", bà được giao làm tổ trưởng tổ đan len để phục vụ cách mạng ở khu vực Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa và nghề này đã giúp bà vun vén cuộc sống khó khăn lúc vừa tiếp quản Sài Gòn. Bà Định bỗng lặng đi giây lát. Chúng tôi hiểu nỗi nhớ quê hương đang trở lại trong tiềm thức của người phụ nữ đã ở tuổi "xưa nay hiếm".

Hôm đầu gặp bà Định ở buổi họp mặt Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhớ hình ảnh một bà lão ngồi lặng lẽ ở phía cuối khán phòng quan sát mọi người kể chuyện cũ, hoặc trao quà cho hội viên. Không chỉ những hội đồng hương mà ngay cả người dân khu phố bà ở đều nói, bà làm việc nghĩa nhiều lắm, nhưng cứ lặng lẽ như vậy. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được viết bài thì bà xua tay bảo: "Tôi già cả rồi, việc tôi làm cũng nhỏ bé lắm", rồi nhất quyết giới thiệu cho chúng tôi những người khác.

Nhân ái giữa đời

Chúng tôi phải tìm tới nơi bà ở. Bà Đặng Thị Bình (73 tuổi), là hàng xóm với bà Định kể, trước đây khi còn công tác thì các con của bà sắm máy photocopy, mở tiệm để kinh doanh. Sau khi hai ông bà nghỉ hưu thì các con lại giao lại cho bố mẹ. Gần 20 năm nay, quán photocopy của bà Định đắt khách lắm. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ số tiền kiếm được, cộng thêm tiền lương hưu hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, bà đều dành làm từ thiện. Lúc đầu nghe ai đó mách chỗ này, chỗ kia có người ốm, hoạn nạn là bà mang tiền đến tận nơi để giúp. Chỗ xa xôi quá, tuổi cao, sức yếu không đi được thì bà gửi bạn bè mang đến. Cả khu phố ai cũng biết và yêu quý cụ bà tốt bụng.

Trước sự kiên trì của chúng tôi, bà Định đã chịu kể về mình. Bà bảo, mấy năm gần đây xem truyền hình, đọc báo thấy bộ đội mình ở Trường Sa khổ quá. "Tôi coi các chú ấy như con mình, vì giống chúng tôi ngày xưa đi theo tiếng gọi non sông vào Sài Gòn tiếp quản, xây dựng kinh tế mới. Những người lính cũng vì non sông mà ra nơi biển đảo xa xôi…", bà Định xúc động. Bởi vậy, bà đã dành dụm tiền ủng hộ các chiến sĩ.

Mấy năm gần đây, trí nhớ đã giảm, bà cẩn thận lập một danh sách quỹ, địa điểm làm từ thiện và ghi rõ số tiền ủng hộ. Khi có người quen đi làm từ thiện bà lại gửi lúc vài trăm, khi tiền triệu. Gửi xong, bà đánh một chữ "R" bên cạnh để khỏi nhầm. Danh sách từ thiện của bà Định đã dài dằng dặc những chữ "R". Mới đầu năm nay, bà đã gửi hai phần quà, cạnh dòng chữ "Quà Tết gửi bộ đội Trường Sa: 1 triệu đồng" và tặng chương trình "Cây mùa xuân 2013" ủng hộ các cụ già phường 12 (quận 10) 500 nghìn đồng". Bà nói khi nào đủ 5 triệu đồng nữa bà sẽ nhờ anh xe ôm đầu hẻm mang ra ngân hàng để gửi cho Hội Từ thiện "Hiểu về trái tim".

Thời gian gần đây sức khỏe đã yếu đi nhiều, mỗi lần gửi tiền cho người nghèo bà lại phải nhờ anh xe ôm tốt bụng ở gần nhà mang đi gửi dùm. Mỗi lần như thế bà không quên nhét vào túi bác xe ôm 100 nghìn đồng để cảm tạ. Tính cách bà thẳng thắn, có trước có sau nên bà con lối xóm ai nấy đều quý mến.

"Nghe tiếng bà Định, một người bán vé số tới hỏi mượn mấy chục nghìn làm vốn, bà cho luôn một trăm nghìn và bảo "cô cứ dùng đi, khi nào có đồng ra đồng vào trả tôi cũng được". Thế nhưng thời gian gần đây, có nhiều người bán vé số không trung thực tới kể khổ để xin tiền tiêu xài. Vậy nên bà buồn: "Bản thân mình còn tiết kiệm, tích cóp từng đồng mới có dôi dư để cho người cô thế. Còn những trường hợp khỏe mạnh, còn tay còn chân mà lười biếng thì thật buồn quá".

Ngày làm photocopy, đêm bà nhận gia công thêm vỏ túi thơm. Mỗi chiếc khâu xong, bà được người ta trả công 500 đồng. "Thế mà góp lại mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được cả trăm nghìn chứ không ít đâu nhé. Còn tiền lương, tiền photo nữa, ngần ấy là đủ để làm từ thiện rồi đấy", bà Định vui vẻ.

Nhìn bà Định sớm chiều lọ mọ bên máy photocopy, không ít lần bà con lối xóm khuyên nên nghỉ ngơi, để con cái phụng dưỡng. Bà Định chỉ cười và đáp: "Nhiều người còn già hơn tôi. Có người bị tàn tật, cụt tay, cụt chân vẫn giúp ích cho đời. Còn mình lành lặn, làm vài việc vặt thế này chẳng xá gì".

Noi gương mẹ, các con của bà Định đều tham gia làm từ thiện. Anh Quách Trường Giang, con trai đầu vừa tham gia chuyến từ thiện về vùng sâu vùng xa Mỹ Thới (TP Long Xuyên, An Giang) để tặng quà cho những gia đình nghèo, người neo đơn. Anh bảo, những món quà bình dị, như gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt, tương mắm giúp ấm lòng những hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết năm nay.

Biết được những việc bà Định làm, nể phục tấm lòng của bà, mỗi ngày những khách quen dù phải đợi lâu để photo tài liệu cũng không cảm thấy phiền lòng. Mọi người đều dành cho bà nụ cười nhân ái và động viên bà sống vui, sống khỏe bên gia đình và các con cháu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thơm thảo một tấm lòng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.