(HNM) - Báo cáo kết quả suy rộng mẫu tổng điều tra dân số và nhà ở (TĐT) năm 2009 vừa được công bố cho thấy Việt Nam đang bước vào thời kỳ
Những chỉ số tích cực
Sau nhiều thập kỷ bùng nổ dân số, năm 2009, lần đầu tiên dân số (DS) nước ta tăng không quá 1 triệu người/năm; 63/63 địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu về công tác DS. Các chỉ số phát triển con người tăng cao ở 3 yếu tố: thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình và giáo dục. Theo Liên hợp quốc đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Cán bộ quận Hà Đông làm công tác điều tra dân số, nhà ở năm 2009 các hộ gia đình. Ảnh: Bá Hoạt |
Bước tiến đáng khích lệ trong việc nâng cao chất lượng DS 10 năm qua (1999-2009) được thể hiện qua chỉ số về giáo dục: tỷ lệ người biết chữ tăng nhanh hơn chu kỳ 10 năm trước và đạt mức 93,5% số dân ở độ tuổi từ 15 trở lên. Sự khác biệt về tỷ lệ biết chữ ngày càng được thu hẹp giữa thành thị và nông thôn, giữa nam và nữ. Số lượng và tỷ lệ trẻ đi học các cấp phổ thông ngày càng tăng; hiện chỉ còn 4 triệu người chưa đi học, chiếm 5% số dân từ 5 tuổi trở lên và tập trung chủ yếu ở độ tuổi già. Tuổi thọ bình quân liên tục tăng và đã đạt mức 72,8 tuổi.
Đời sống của người dân Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể so với những năm trước đây và 93% DS hiện có nhà riêng. Trong số đó, 47% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, 37,8% có nhà bán kiên cố, tốc độ xây dựng nhà ở ngày càng tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Diện tích ở bình quân đầu người là 18,6m2, trong đó người dân thành thị là 23,1m2 và người dân nông thôn là 16,7m2. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh là 87%, 96% hộ có điện lưới thắp sáng, 87% có ti vi… Những kết quả trên khẳng định sự thành công của các chương trình chăm sóc sức khỏe và phát triển xã hội trong 10 năm qua.
Thách thức đi liền với thời cơ
Số liệu điều tra mẫu cho thấy Việt Nam đang bước vào thời kỳ "cơ cấu dân số vàng", nhóm DS trong độ tuổi lao động cao gấp đôi nhóm DS ở độ tuổi phụ thuộc. Thời kỳ này kéo dài khoảng 15 đến 40 năm, tùy thuộc vào việc kiềm chế mức sinh, vì vậy cần có chính sách tạo lực lượng lao động "vàng" và phát huy sức mạnh tổng hợp từ đội ngũ đó, tạo đà phát triển đất nước một cách mạnh mẽ.
Tuy thế, cần phải lưu ý rằng, ở thời kỳ DS "vàng" mà không kiểm soát được mức sinh thì quốc gia sẽ phải đối diện với thách thức về lao động, việc làm. Mỗi năm, cả nước có thêm 1,5-1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đòi hỏi phải được đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm. Mặc dù sau 10 năm, số người đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật đã tăng, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực giữa các nhóm ngành nhưng chủ yếu vẫn là lao động giản đơn; lao động qua đào tạo, có bằng chứng nhận từ công nhân kỹ thuật trở lên chỉ đạt mức 28-30%, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Chất lượng DS thấp kéo theo hàng loạt vấn đề chứ không chỉ là lao động, việc làm. Xét về thể chất, các chỉ số của người Việt Nam hiện còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực - cả về tầm vóc, thể lực, cân nặng, sức bền. Đặc biệt, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh của Việt Nam chỉ đạt mức 60,2, xếp thứ 116/174 nước trên thế giới. Tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi của nước ta vẫn ở mức trên 30% và là một trong 20 nước có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thấp còi theo tuổi cao nhất thế giới. Hiện cả nước có 12,1 triệu lượt người khuyết tật, chiếm 15,5% DS từ 5 tuổi trở lên và không ngừng tăng qua từng năm. Tỷ lệ trẻ em quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn, phải nạo phá thai, lạm dụng chất gây nghiện đang tăng. Mức chênh lệch giới tính khi sinh như hiện nay (111 nam/100 nữ) đang trở thành mối lo đáng kể bởi trong tương lai không xa, nước ta có thể phải đối diện với nhu cầu "nhập khẩu cô dâu" - điều có thể kéo theo sự biến động về văn hóa, xã hội. Hơn nữa, điều đặc biệt là thời kỳ "dân số vàng" và "già hóa dân số" diễn ra gần như đồng thời bởi việc duy trì mức sinh thấp trong nhiều năm và tuổi thọ trung bình được nâng cao đã đẩy thời kỳ "già hóa dân số" đến sớm hơn so với những dự báo trước đây.
Thách thức hiển hiện ngay trong thời kỳ vàng son. Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ: "Thành quả công tác DS đã có nhưng lại hết sức mong manh và dễ bị tuột mất bất cứ lúc nào. Công tác vận động thực hiện giảm tỷ lệ sinh trong thời gian qua khó một thì thời gian tới, nhiệm vụ cải thiện chất lượng DS, cơ cấu DS và giảm tỷ lệ sinh còn khó hơn rất nhiều".
Bước sang năm cuối của kế hoạch 5 năm 2006-2010, ngành DS đang dồn lực ưu tiên cho nhiệm vụ nâng chất "vàng", tạo bệ phóng cho sự phát triển. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành y tế - DS, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư thỏa đáng cho công tác DS trong chiến lược phát triển quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.