Lúc còn nhỏ, cứ nghỉ hè là tôi lại được về quê nội, đúng dịp tháng bảy, giữa cái nắng miền Trung oi bức cùng với gió phơn.
Trong ngôi nhà gỗ ba gian của nội có người lính già mang theo bó hoa cúc đến bên bàn thờ nội tôi, trầm mặc trong hương khói uy nghi, mắt nhòa lệ, giọng lạc dần trong lời tâm sự. Mẹ và ba tôi thắp hương trên bàn thờ ông, rồi đi viếng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị. Tôi nhớ những ngày này thường có đội tình nguyện đến nghĩa trang trong thị xã quét lá, cạo rêu xanh trên bia mộ liệt sĩ.
Nhà nội tôi nằm ngay trên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), nơi từ lâu những người lính may mắn trở về sau cuộc chiến thường tìm về đây để thả những đóa hoa xuống dòng sông tâm linh, xao xuyến nghĩ về một miền cỏ xanh trong Thành cổ, những bia mộ vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ.
Cứ đến những ngày tháng Bảy là làng tôi lại nhộn nhịp. Gia đình tôi cũng vậy, niềm vui, nỗi nhớ lẫn vào nhau giữa những người lính xưa gặp lại, cảm xúc trào dâng sau những ngày bặt tin nhau. Họ cùng ngồi bên nhau, hát những khúc hát hào hùng. Phút lắng đọng trong ngày tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ là nén tâm hương tưởng nhớ những người đã nằm xuống vì quê hương, đất nước.
Tháng Bảy năm nay, những người lính già, mặc áo xanh đội mũ tai bèo, ngực đeo huy chương vẫn đi dọc những con phố chính ở Đông Hà. Họ đi tìm hình bóng chính mình ở một thời đã xa mà lịch sử gọi là những "Ngày hè đỏ lửa" hay "81 ngày đêm chấn động địa cầu". Những người lính già ngồi trên xe lăn, có người khập khiễng cùng chiếc nạng, có người cụt tay, có người hỏng mắt… Tất cả kính cẩn trước dòng sông trong xanh một thời hòa máu lửa. Lòng sông mang những nhánh hoa huệ, hoa cúc trôi bồng bềnh như chờ ai, đợi ai, như biết nghĩ về một thời hoa đỏ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.